Chủ đề của Hội nghị diễn ra chiều 13/12 là Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đông đảo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước của Sáng kiến Việt Nam và đại diện Lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan nghiên cứu, tham mưu trong nước.

Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và tri thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để tri thức Việt Nam ở nước đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.

Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao tinh thần lắng nghe, cầu thị của Thủ tướng và Chính phủ, và khẳng định mong muốn được đóng góp các ý kiến tâm huyết cho sự phát triển đất nước.   

unnamed_3__onpm.jpg
Thủ tướng gặp gỡ các chuyên gia tại Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận về ba chủ đề gồm: định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Giáo sư Ricardo Hausmann (Đại học Harvard) đã có bài trình bày ấn tượng về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia.

Mô hình này không chỉ đánh giá theo ngành, hàng mà còn giúp đánh giá lợi thế theo vùng miền, địa phương, từ đó đóng góp “kiến thức” đầu vào cho quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành, hàng, quy hoạch vùng, miền hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Trong bài tham luận về chính sách công nghiệp hoá của Việt Nam cho giai đoạn mới, Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng vừa đi vào chiều sâu. Trong đó có thể tập trung vào những ngành máy móc, cơ khí, công nghiệp thực phẩm.

Việt Nam còn có nhiều dư địa tiến sâu vào các ngành trung gian như may mặc, điện tử. Cùng với đó là lựa chọn các dự án FDI có công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng cần tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.  

Toàn cảnh hội nghị.

Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana - Mỹ), trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đang tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam hiện đại. Những điểm nghẽn này rõ ràng đang cản trở Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững cần phải được phá bỏ.

Phó Giáo sư khuyến nghị Chính phủ cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về các ý kiến tham luận, góp ý của các diễn giả, trong đó có mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế của GS. Hausmann; vấn đề chính sách công nghiệp hoá của GS. Trần Văn Thọ; những điểm nghẽn trong hệ thống kinh tế của PGS. Trần Ngọc Anh.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của người dân, của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp; lắng nghe hơi thở cuộc sống, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó, đưa Việt Nam phát triển bền vững.

“Một điều đáng mừng mà các ý kiến nói là mặc dù trong khó khăn, nhưng dư địa tăng trưởng còn lớn ở Việt Nam và lợi thế tăng trưởng là có. Điều đó mang lại niềm tin cho chúng ta. Chúng ta biết lắng nghe, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thể chế chính sách, tổ chức chính sách, hành động cho tốt cùng với xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt thì sẽ giúp Việt Nam phát triển” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ trân trọng và sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các ý kiến của nhiều chuyên gia trong thời gian tới. Trong đó có ý kiến của GS. Ngô Bảo Châu về việc ứng dụng toán trong phân tích kinh tế; ý kiến của PGS. Andreas Hauskrecht, chuyên gia về tài chính quốc tế, về dự đoán tình hình tài chính, kinh tế tiền tệ thế giới và gợi ý cho Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Bộ Công Thương trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS Hausmann; GS Trần Văn Thọ, PGS Trần Ngọc Anh và các chuyên gia khác về công nghiệp, thương mại để đánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt nam và các chính sách về công nghiệp hóa. Báo cáo Chính phủ về những tiến bộ hàng năm của Việt Nam.   

Tán thành cách đặt vấn đề của giáo sư Trần Ngọc Anh về việc để xóa bỏ điểm nghẽn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo với tinh thần phải lượng hóa được. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ phối hợp cùng nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.   

Với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước.

Thủ tướng mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ, cụ thể và thường xuyên hơn để từ các ý kiến của các chuyên gia, học giả, Chính phủ tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ sung các cơ chế, chính sách, góp phần đưa Việt Nam phát triển./.