Tối 21/6, tại Hà Nội, Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13 (năm 2018) được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2019). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự, phát biểu và trao Giải A - Giải báo chí Quốc gia 2018.
Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện các nhà báo trên cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13. Ảnh: Hà Phương. |
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng báo chí Quốc gia cho biết, chất lượng chung các tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018 đồng đều hơn, đặc biệt là sự vươn lên của các hội nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Nhiều tác phẩm được thể hiện bài bản, công phu. chuyên nghiệp, sử dụng các hình thức thể hiện mới của báo chí hiện đại, chất lượng báo chí các địa phương ngày càng được nâng lên, khoảng cách về chất lượng các báo, Đài Trung ương và tác phẩm và địa phương ngày càng rút ngắn.
Ông Thuận Hữu khẳng định, các tác phẩm được chọn trao giải là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có định tính, định hướng dư luận xã hội. Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, được dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương xây dựng của báo chí.
Phát biểu tại buổi lễ, trong không khí phấn khởi kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ người làm báo trong cả nước, đặc biệt nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được nhận giải thưởng Báo chí quốc gia năm 2018.
Thủ tướng đánh giá, các nhà báo là những chiến sỹ xung kích đi đầu trên mặt trận đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội. Báo chí đã trở thành lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.
Với đội ngũ hùng hậu trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, có tính chuyên nghiệp cao và tiếp cận nhanh với công nghệ báo chí, truyền thông hiện đại, người làm báo thực sự là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.
Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn mà báo chí và đội ngũ những người làm báo đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh báo chí chính thống bị mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt cả về mức độ ảnh hưởng, thị phần thông tin và quảng cáo. Chính sách tài chính đối với báo chí cần được tiếp tục hoàn thiện để báo chí phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Trong thời gian tới, Thủ tướng mong muốn báo chí cách mạng Việt Nam cần phát huy những giá trị cốt lõi của mình về tính cách mạng và tiên phong. Báo chí phải thể hiện, phản ánh trung thực về một đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, đổi mới; môi trường sống an toàn, thân thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín và vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Thủ tướng yêu cầu, thông tin tích cực phải là dòng chủ lưu chính trên báo chí, dù viết về tham nhũng, tiêu cực cũng phải trên tinh thần đấu tranh, xây dựng. Chú trọng tuyên truyền về những mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Báo chí cần tăng cường phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “tự diễn biến”, sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống, nhất là trong cán bộ, Đảng viên.
Nhận định sự xuất hiện của mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực thì tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, xấu độc, thông tin giả mạo gây hại cho xã hội đang ngày càng gia tăng, có nguy cơ lấn át thông tin chính thống, Thủ tướng cho rằng hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác – chính thống – nhanh nhạy – có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của báo chí.
Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch báo chí nhằm xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại, lành mạnh, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đổi mới, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia hàng năm, nâng tầm của Giải cả về quy mô và chất lượng tác phẩm; thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng các hội viên, nhà báo. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ủng hộ và tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh, chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực lắng nghe từ cơ sở, bám sát hơi thở cuộc sống, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, kinh nghiệm tốt để đóng góp thiết thực vào thành công Đại hội Đảng các cấp.
Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIII năm 2018 có 106 tác phẩm đoạt Giải, trong đó có 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C, 34 giải Khuyến khích. Giải năm nay có hơn 120 đơn vị cấp hội và 222 cộng tác viên, tham gia dự 11 loại giải theo quy định.
Tại buổi lễ, nhiều nhà báo đoạt giải đều bày tỏ lòng yêu nghề, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để cung cấp thông tin nhanh nhất, kịp thời và chính xác đến khán, thính, độc giả.
Trăn trở với những vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân, nhà báo Hương Lan, nhóm tác giả đoạt giải A Giải báo chí Quốc gia với tác phẩm "Liên kết - Động lực cho nông nghiệp bứt phá" Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, báo chí hiện nay phải cạnh tranh với nhiều phương tiện thông tin, nhất là khi mạng xã hội phát triển. Do vậy, báo chí cần có những quan điểm và phân tích sâu sắc để định hướng dư luận bằng những bài viết chân thực, khách quan để đưa đến thính giả Đài TNVN nói riêng, độc giả cả nước nói chung những vất vả của người nông dân "một nắng, hai sương" luôn phải đối mặt với "được mùa mất giá" khi sản xuất nông nghiệp.
Nhà báo Phạm Văn Đông, nhóm tác giả đoạt giải C với tác phẩm: "Nườm nượp cảnh kẹp tiền đưa- nhận tại Hải quan Hải Phòng" Chi hội Nhà báo Báo Lao Động bày tỏ, làm ra 1 tác phẩm phóng sự điều tra phải bỏ ra nhiều thời gian để tìm hiểu. Trong quá trình ghi nhận cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các vấn đề của bài viết, nhưng trên hết là lòng yêu nghề, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thậm chí là những lời đe dọa, để cho ra loạt phóng sự khách quan, trung thực nhất đưa đến bạn đọc./.7 tác phẩm của VOV đạt Giải Báo chí Quốc gia 2018