Sau hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam là nước chủ nhà của Diễn đàn kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương - APEC lần đầu tiên vào năm 2006, năm nay, Việt Nam một lần nữa lại được tín nhiệm đảm nhận vai trò nước chủ nhà của Diễn đàn kinh tế quan trọng này. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế giành cho Việt Nam, đồng thời cũng là bước triển khai rất quan trọng chiến lược hội nhập quốc tế của chúng ta.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn của báo chí về công tác chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại quan trọng này.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đứng trước nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là duy trì vai trò APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của APEC đề ra từ khi thành lập năm 1989.
Thách thức thứ 2 là APEC và các thành viên tiếp tục thúc đẩy xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư, trong đó có việc hoàn tất các mục tiêu Bogo vào năm 2020, nhất là khi chiều hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên ở một số nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những thách thức về nâng cao đóng góp của APEC trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như tạo việc làm, thu hẹp bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực, già hóa dân số, di cư…. Đây là những thách thức đặt ra chung cho cả thế giới cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặt khác, tình hình hiện nay cũng mở ra những cơ hội mới đối với triển vọng hợp tác của APEC và các thành viên. Thứ nhất, khi môi trường phát triển càng bị thách thức thì các nền kinh tế càng có nhu cầu hợp tác để giải quyết các vấn đề chung. Đặc biệt, APEC có vai trò then chốt do châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động, là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu trong nhiều năm qua. Nhiều nền kinh tế APEC tiếp tục là đầu tầu thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế.
Thuận lợi thứ 2 là hợp tác APEC chưa bao giờ sâu rộng như hiện nay. Sau gần 3 thập kỷ phát triển, số lượng cơ chế hợp tác của APEC đã tăng lên gấp 3 lần với khoảng 50 Ủy ban và nhóm hợp tác khác nhau. Thứ 3 là nội hàm hợp tác của APEC hiện nay cũng đã mở rộng và không chỉ bao gồm các vấn đề về kinh tế thương mại mà còn cả các vấn đề kinh tế thương mại thế hệ mới, các vấn đề phát triển, ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Với các nguyên tắc cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, APEC đang đi tiên phong trong nhiều nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư, trong đó phải kể đến các sáng kiến kết nối toàn diện, tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, kinh tế số, kinh tế mạng…
Với ta, thuận lợi lớn nhất là nội lực đất nước đã được nâng lên đáng kể sau 30 năm đổi mới. Hiện nay ta là một trong những nền kinh tế đầu tầu của APEC trong tăng trưởng và liên kết. Trong 8 tháng đầu năm và cả năm 2016, dù thương mại thế giới có suy giảm, chỉ đạt mức khoảng 1,7%, chúng ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu 9%.
Chính phủ cũng đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đổi mới và đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là nền tảng tốt… Mặt khác chúng ta cũng đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia nhiều liên kết kinh tế quy mô lớn như TPP, Hiệp định đối tác toàn diện ở khu vực, các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, liên minh kinh tế Á -Âu… Đây trở thành mắt xích rất quan trọng trong mạng lưới kiên kết kinh tế sâu rộng với 59 đối tác trong đó có 18 thành viên APEC.
Việt Nam đã sẵn sàng cho một Năm APEC thành công
PV: Thứ trưởng có thể cho biết công tác chuẩn bị của năm APEC 2017 của Việt Nam trong thời gian qua như thế nào ?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: APEC 2017 có thể nói là hoạt động đối ngoại lớn nhất của Việt Nam tổ chức từ nay đến năm 2020. Với chủ đề tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung, APEC 2017 gồm khoảng gần 200 hoạt động trải dài trên 10 tỉnh, thành trong khắp cả nước trong suốt cả năm. Chúng ta cũng đã bắt đầu công tác chuẩn bị từ cách đây 3 năm.
Ngay từ năm 2014, 2015, Việt Nam đã trao đổi với các thành viên APEC về kinh nghiệm tổ chức và chuẩn bị nội dung và Ủy ban quốc gia về APEC 2017 cũng đã được thành lập vào tháng 7/2015 do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đứng đầu với sự tham gia của 24 cơ quan địa phương là các thành viên có nhiệm vụ điều phối công tác chuẩn bị cho năm APEC 2017.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã sớm hoàn tất rất nhiều công tác then chốt, từ việc lựa chọn địa điểm cho hội nghị cấp cao và các hoạt động chính, đề xuất các ưu tiên, đào tạo đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho năm APEC đảm bảo diễn ra đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu.
Đến nay, công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ và lộ trình mà chúng ta đề ra. Việt Nam đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch năm APEC 2017. Các đề xuất mà chúng ta đưa ra đúng với các mối quan tâm chung, đồng thời phù hợp với xu thế, phản ánh được mối quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng như của nước ta và ASEAN.
Nhờ làm kỹ khâu chuẩn bị và sớm vận động các nền kinh tế thành viên cho nên chủ đề và những ưu tiên chúng ta đề xuất nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên, đặc biệt qua Hội nghị quan chức cao cấp không chính thức của ta vừa qua.
Các bộ, ngành, các cơ quan cũng như các tỉnh thành phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, nhất là về cơ sở vật chất và lễ tân, tuyên truyền văn hóa, an ninh, y tế. Trang mạng chính thức của năm APEC 2017 cũng đã đưa vào hoạt động từ tháng 11/2016 để cung cấp thông tin về APEC và cả năm APEC 2017, tạo thuận lợi cho các đại biểu và phóng viên quốc tế đăng ký và tham gia hoạt động một cách dễ dàng.
Việc lựa chọn biểu trưng hay bộ nhận diện của năm APEC 2017 cũng đã hoàn tất. Cùng với các phim ngắn, ấn phẩm giới thiệu về năm APEC 2017 để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các cơ hội và tiềm năng đầu tư kinh doanh du lịch của đất nước chúng ta. Phải nói rằng công tác chuẩn bị về lễ tân, đào tạo đội ngũ cũng đã được gấp rút thực hiện. Đó là chìa khóa để đi đến thành công của năm APEC 2017.
"Một thế giới đang thay đổi và một APEC đang chuyển mình"
PV: Các cơ quan thông tấn báo chí sẽ làm gì để đóng góp vào thành công của năm APEC 2017, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn:Các cơ quan truyền thông báo chí từ trước tới nay luôn có vai trò và tác động to lớn đối với đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành công của các sự kiện chính trị đối ngoại trọng đại của đất nước ta. Ngày nay, khi công nghệ càng phát triển, nhất là công nghệ số phát triển mạnh thì vai trò của truyền thông báo chí càng được đề cao.
Báo chí và truyền thông không chỉ tác động và định hướng dư luận mà còn tạo cơ hội tương tác nhiều chiều cho phép các cơ quan, các nhà hoạch định chính sách có thể hiểu hơn về tâm tư của người dân, các doanh nghiệp, để có các quyết sách đúng đắn, phù hợp.
Diễn đàn APEC và các thành viên cũng rất coi trọng công tác truyền thông báo chí. Cách đây gần 20 năm, Ban Thư ký APEC quốc tế khi thành lập cũng có một bộ phận phụ trách về quan hệ công chúng và báo chí với định hướng hoạt động rất dài hạn và đến 10% tổng số nhân sự Ban Thư ký APEC quốc tế là làm về công tác truyền thông báo chí, dù khối lượng công việc của Ban Thư ký là rất lớn.
Tại Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp của APEC tại Hà Nội tháng 12/2016, nhiều thành viên của APEC cũng đã nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin tuyền truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu sâu hơn về APEC, về những đóng góp của APEC đối với tăng trưởng, tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực cũng như lợi ích cụ thể mà diễn đàn hợp tác APEC mang lại cho doanh nghiệp, cho người dân. Đây là nhu cầu rất chính đáng của APEC.
Xu hướng chống tự do hóa thương mại và đầu tư, xu hướng dân túy, bảo hộ đang nổi lên. Nhu cầu này cũng đang mở ra cơ hội to lớn cho giới truyền thông báo chí phát huy vai trò trong năm APEC 2017. Tôi tin tưởng rằng, trong năm 2017 này, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ đóng vai trò cầu nối, mang APEC đến gần hơn với các doanh nghiệp và đặc biệt hơn là với người dân.
Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí chủ động truyền tải các thông điệp lớn của APEC 2017 đến với các địa phương, các doanh nghiệp và người dân, nhất là qua việc tăng cường các chuyên đề, chuyên mục, các chương trình riêng để thông tin cho người dân về các hoạt động lớn, các nội dung hợp tác chủ đạo của APEC trong năm 2017, cũng như ý nghĩa, lợi ích mà APEC mang lại.
Cái này rất cụ thể và cần phải có chương trình hợp tác và phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký APEC để đưa được những nội dung đó truyền tải được đến người dân. Qua đó, các tầng lớp nhân dân sẽ có tư thế chủ động và sẽ đồng hành tham gia đóng góp vào các hoạt động của APEC, đảm bảo thêm cho thành công và tạo dấu ấn cho năm APEC 2017 tại Việt Nam. Đối với bạn bè quốc tế, báo chí của ta cũng là nước chủ nhà, cũng cần phải góp phần giới thiệu được hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập sâu rộng, con người Việt Nam thân thiện hòa nhã mến khách, nền kinh tế Việt Nam tràn đầy tiềm năng, phát triển năng động, cởi mở, sẵn sàng thu hút đầu tư.
PV:Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Năm APEC Việt Nam 2017 được đánh giá cao tại Hoa Kỳ