Sáng ngày 1/4, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã phát huy tác dụng, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế cũng như chưa đáp ứng tốt tình hình thực tế mới.

“Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra” – ông Ngô Sách Thực nói đồng thời nhấn mạnh: "MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bởi dự án Luật này không chỉ giúp cơ quan nhà nước hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mà còn góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân".

Dự thảo luật thể hiện chưa đủ nội dung của Hiến pháp 2013

Phản biện dự án Luật, ông Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật chỉ rõ, quan điểm và nội dung sửa đổi của dự thảo Luật trình lần này chưa thể hiện đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 cũng như đường lối của Đảng về kiểm soát quyền lực Nhà nước.

“Theo tờ trình dự thảo Luật mới chỉ là góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước. Từ mục đích hoạt động thành tra (điều 3), chức năng của cơ quan thanh tra (điều 5) đến nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra của Tổng cục, cục cũng như Thanh tra tỉnh, huyện đều không có quy định về kiểm soát quyền lực Nhà nước trong nội bộ các cơ quan thực hiện quyền hành pháp.” - ông Đường đặt vấn đề.

“Nếu quan điểm này được chấp nhận, rất nhiều điều luật trong dự thảo Luật Thanh tra phải được sửa đổi như các điều quy định về mục đích thanh tra, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, huyện cũng như các quy định về trình tự thủ tục thanh tra đều phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chức năng hàng đầu của Thanh tra là kiểm soát quyền lực Nhà nước bên trong quyền hành pháp, sau đó mới thực hiện chức năng quản lý Nhà nước” ông Đường đề xuất.

Dự thảo luật còn nhiều kẽ hở

Đề cập nội dung Báo cáo kết quả thanh tra, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, Dự thảo khá chi tiết khi giới hạn thời gian xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra nhưng lại không giới hạn thời gian là bao nhiêu ngày kể từ ngày xem xét, đánh giá các nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra.

“Tuy nhiên Luật quy định giới hạn “Thời gian xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra tính từ khi người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra” (Khoản 7 Điều 86) là bao nhiêu lâu nhưng lại cũng không nói rõ trong bao lâu người ra quyết định thanh tra phải phân công tổ chức, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra (Khoản 1 Điều 87)”, Luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu rõ.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, chỉ qua 1 - 2 điều khoản có thể thấy Dự thảo để khá nhiều khe “hở” về mặt thời gian, thời hạn đối với người ra quyết định thanh tra.

Thanh tra kết hợp với Mặt trận, với nhân dân để giám sát

Ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề xuất, trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần thiết phải bổ sung các nguyên tắc và có quy định nhằm phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động thanh tra.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, MTTQ Việt Nam có hoạt động giám sát, Thanh tra Chính phủ có hoạt động thanh tra, đều có cùng mục đích là phát hiện những sơ hở, thiết sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp khắc phục, xử lý vi phạm và thực hiện theo đúng quy định của nhà nước” ông Thường dẫn chứng.

Ông cho rằng, việc phối hợp công tác 2 bên sẽ tạo nên sức mạnh của cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; cùng với giám sát, kiểm tra của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đánh giá cao những ý kiến chất lượng, mang tính phản biện, đặc biệt là công khai kết luận thanh tra,…

Ông Lê Tiến Châu cho rằng, hầu hết ý kiến đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật thanh tra (sửa đổi), tuy nhiên, việc sửa đổi lần này cần bảo đảm quan điểm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

“Đa số các ý kiến cũng cho rằng, tổ chức thanh tra còn nhiều tầng nấc, dẫn đến chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện công vụ; chưa có sự phân định thật rõ ràng cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa thanh tra và các cơ quan có chức năng tương đồng về kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo Luật lần này cần phải thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan thanh tra để khắc phục sự dàn trải, thiếu tập trung và tình trạng chống chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra” - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.

Ông cũng cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ khẩn trương hoàn thiện văn bản phản biện xã hội đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thanh tra Chính phủ./.