- Nhiều ý kiến ủng hộ Luật phòng chống tác hại thuốc lá
- Đề nghị thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 3
Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, chiều 25/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Báo cáo nêu rõ những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về địa vị pháp lý của công đoàn; về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài; về hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp; về tài chính công đoàn; về bảo đảm cho cán bộ công đoàn...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Về địa vị pháp lý của công đoàn, nhiều đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật: "Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa."
Về tên gọi của công đoàn các cấp, các đại biểu tán thành với quy định tên gọi công đoàn ở cấp Trung ương là Tổng Công đoàn ngay trong dự án Luật, còn tên gọi cụ thể của công đoàn các cấp sẽ do Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định.
Về hệ thống tổ chức công đoàn, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, hệ thống tổ chức của các cấp công đoàn hiện nay còn nhiều tồn tại, mang nặng tính hình thức cấp trên cấp dưới, chưa phù hợp, chưa phân biệt chức năng nhiệm vụ của từng cấp công đoàn.
Tên gọi của các cấp liên đoàn chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương dẫn đến chồng chéo, khi nảy sinh những vướng mắc về quan hệ lao động, công đoàn còn lúng túng khi đề ra các giải pháp cùng các cơ quan nhà nước giải quyết kịp thời. Đối với các cấp công đoàn tổ chức theo ngành nghề cũng tương tự như vậy.
Luật cần chỉ rõ hệ thống tổ chức trong cả hệ thống tổ chức công đoàn và từng cấp công đoàn theo nguyên tắc gì, theo mối quan hệ nào... Mỗi cấp công đoàn có đặc thù riêng nên cần luật hóa và quy định rõ ràng, tránh sự tùy tiện, chủ quan. Theo đại biểu cần luật hóa hệ thống tổ chức công đoàn gồm bốn cấp ngay trong luật chứ không giao cho Tổng Liên đoàn Việt Nam quy định trong Điều lệ Công đoàn.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên. Tuy nhiên, theo các đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang), Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), Luật chỉ quy định nguyên tắc tổ chức của công đoàn, các nội dung cụ thể sẽ do Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định.
Nhiều đại biểu cũng tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), khi hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư quốc tế, có hàng chục ngàn chuyên gia, lao động kỹ thuật vào làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong thực tế, khi quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động có mâu thuẫn, nếu người nước ngoài được tham gia công đoàn sẽ thuận lợi hơn trong công tác và bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi công đoàn giữa lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài.
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, trật tự, đại biểu đề nghị những quy định cụ thể về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của người nước ngoài sẽ được quy định chặt chẽ hơn trong văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cũng đồng tình với phương án này, nhưng đề nghị bỏ cụm từ "không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp" không quy định trong luật, mà chỉ nên quy định trong Điều lệ Công đoàn.
Trái với quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không đồng ý với quy định để lao động là người nước ngoài gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật về tài chính công đoàn. Các đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Lưu Thị Huyền, (Ninh Bình), Lê Thành Nhơn (Bình Dương)... tán thành với quy định mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động. Tuy nhiên, một số đại biểu như Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Hà Sỹ Đông (Quảng Trị) lại đề nghị mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội...
Tại phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về trách nhiệm của công đoàn trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công;” kiểm tra, giám sát tài chính Công đoàn.../.