Ngày 13/10, tại thành phố Hạ Long, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Luật Công đoàn Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2012 và có hiệu lực ngày 1/1/2013. Sau 7 năm triển khai thực hiện đã xuất hiện những bất cập, đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế - Xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung 15 điều của Luật Công đoàn sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 trong thời gian tới. Trong đó, tập trung làm rõ các vấn đề tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới; các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật nhất là Bộ Luật Lao động năm 2019...
Thực tế hiện nay, tại một số công đoàn cơ sở có tới hàng ngàn lao động, công đoàn viên nhưng cán bộ công đoàn lại kiêm nhiệm, không đào tạo chính quy dẫn tới những bất cập về công tác quản lý, không phát huy được vị thế của người lao động. Đây là vấn đề cốt lõi phải được quan tâm và nhất quán về mặt tổ chức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và công đoàn viên.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định lấy ví dụ doanh nghiệp có quy mô 10.000 lao động trở lên thì phải được xác định là công đoàn cấp trên cơ sở và phải cử cán bộ chuyên trách nắm sát. Hiện nay có những khu vực số lượng lao động rất ít nhưng lại có mấy chuyên trách và được coi là công đoàn cấp trên cơ sở. Chính vì vậy cần dành nhiều thời gian để xây dựng mô hình tổ chức công đoàn phù hợp với tình hình mới.
Theo PGS. TS Dương Văn Sao, để sửa được Luật Công đoàn nên duyệt đề án tổ chức, mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức công đoàn làm cơ sở tham gia vào việc sửa luật Công Đoàn cho đồng bộ.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc đóng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay là hợp lý, không nên có điều chỉnh; Cần mở rộng đối tượng tham gia công đoàn, nhất là khi lực lượng lao động đang phát triển nhanh như hiện nay, đặc biệt là những lao động không có quan hệ lao động và người nước ngoài đang lao động, công tác tại Việt Nam.
Ông Đỗ Cao Thượng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh bày tỏ quan điểm: “Người nước ngoài là đối tượng lao động chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam. Đây là vấn đề mới và nhiều công đoàn tại cơ sở kiến nghị nên cho họ tham gia vào tổ chức công đoàn. Nhưng cần có những điều kiện cụ thể như có việc làm ổn định từ 3 năm trở lên, có kết hôn với người Việt, sử dụng tiếng Việt...”.
Việc lấy ý kiến các đại biểu sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động tổ chức công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo luật tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất của Luật Công đoàn và Bộ luật Lao Động chính là hình thành tổ chức đại diện cho người lao động ngoài tổ chức theo Luật Công đoàn. Ủy ban tiếp thu tất cả các ý kiến, có những ý kiến sẽ được sửa trong Luật làm sao để đáp ứng được yêu cầu của giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.