Trong khuôn khổ hợp tác hạ nguồn Mekong– Mỹ (gọi tắt là LMI), trong hai ngày 25 và 26/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức cuộc họp Nhóm công tác LMI lần thứ 4 tại TP HCM.
Tham dự có gần 100 đại biểu là các quan chức chính phủ đến từ 6 nước thành viên LMI gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ cùng đại diện một số nước, tổ chức quốc tế là đối tác của LMI. Đây là cuộc họp nhóm công tác đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhằm nâng cao vai trò của nước ta trong hợp tác LMI.
Cuộc họp Nhóm công tác lần này được tổ chức nhằm mục đích rà soát các hoạt động của LMI đã và đang triển khai kể từ sau Cuộc họp Nhóm công tác lần thứ 3 tại Thái Lan vào tháng 9 năm ngoái, cụ thể hóa hơn nữa các chương trình hợp tác trên tất cả 6 lĩnh vực trụ cột là môi trường và nước, y tế, giáo dục, kết nối, nông nghiệp và an ninh lương thực, an ninh năng lượng, vấn đề điều phối, thành lập chuyên gia trong LMI và đề ra một số chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ngân sách để triển khai ngay.
Cơ chế hợp tác hạ nguồn Mekong- Mỹ được thành lập năm 2009 với sự tham gia của 5 nước Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam) và Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác trong giải quyết những thách thức chung và thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực Mekong. Để tận dụng mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu đó, các nước thành viên LMI nhất trí cần khuyến khích và phát huy sự tham gia của khu vực tư nhân, theo đó việc phát triển mô hình hợp tác công tư được xem là một hướng đi đầy triển vọng.
Phát biểu tại hội thảo “Xây dựng và triển khai các dự án hợp tác công – tư – (PPP)” được tổ chức bên lề cuộc họp Nhóm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói: “Một trong những khuyến nghị là sự cần thiết tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn cho các cán bộ và chuyên gia làm việc trực tiếp về PPP, đặc biệt là ở cấp thực thi dự án. Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến hình thức hợp tác PPP. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu kỹ và tiến hành triển khai thí điểm mô hình này do khả năng hội tụ được những thế mạnh của cả khu vực công và tư. Việc xây dựng và triển khai các dự án PPP hàm chứa nhiều vấn đề pháp lý, kinh tế và thương mại mà chúng ta cần nắm rõ hơn để có thể áp dụng được trên thực tế”.
Trong 2 ngày dự họp, các đại biểu đã thảo luận về việc nâng cao vai trò của của sáng kiến hạ nguồn LMI trong khu vực Mekong và Đông Nam Á; tăng cường gắn kết LMI với các mục tiêu của ASEAN, đặc biệt là nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN; xây dựng mạng lưới điều phối LMI trong khu vực và tăng cường sự tham gia của Nhóm Những người bạn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zeland… vào các hoạt động của LMI.
Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs, Đại sứ Mỹ tại ASEAN nói: “Sáng kiến hạ nguồn Mekong là một ví dụ tuyệt vời về cam kết của Hoa Kỳ trong việc thực hiện chính sách phát triển và làm việc tốt hơn cho tất cả mọi người. Ngoài việc xây dựng năng lực, các chương trình đưa ra trong khuôn khổ LMI đã giúp xây dựng và củng cố mạng lưới khu vực trong trao đổi giữa các quan chức chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia kỹ thuật. Ngoài làm việc với các đối tác để mở rộng an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng tôi tin rằng việc tăng cường mối quan hệ giữa người với người là yếu tố quan trọng để hướng tới thành công trong tương lai của ASEAN”.
Ngoài việc thảo luận một số vấn đề nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao LMI lần thứ 6, sẽ diễn ra vào tháng 6 năm nay tại Brunei, còn có các cuộc họp Nhóm công tác chuyên ngành về an ninh năng lượng, môi trường và nước, nông nghiệp và an ninh lương thực. Qua đó điểm lại những việc đã làm được trong thời gian qua, đưa ra các biện pháp cụ thể và thông qua chương trình hành động về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, các sáng kiến của Việt Nam về quản lý nước mùa hạ khu vực sông Mekong, nước ngầm…
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế - Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn Việt Nam tại cuộc họp Nhóm LMI cho biết: “Có thể thấy rằng kết quả các cuộc trao đổi tạo ra những chuyển biến lớn, mở ra giai đoạn rất mới cho LMI kể cả về mặt tổ chức. Từ trước tới nay chỉ họp ở cấp Bộ trưởng, nhưng có thể từ sau đây sẽ có cuộc họp cấp cao, như vậy là một bước chuyển rất lớn. Thứ hai là về mặt điều phối trong nội bộ LMI cũng có những bước chuyển. Với những nội dung bàn rất rộng lớn như vậy thì chắc chắn là sẽ đem lại sức sống mới, khả năng phát triển mới cho tổ chức này”.
Cùng với việc thảo luận về những lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế hợp tác hạ nguồn Mekong-Mỹ cho năm sắp tới, cuộc họp Nhóm công tác LMI lần này còn góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia./.