Thúc đẩy tăng trưởng việc làm, đảm bảo an sinh xã hội là ưu tiên trọng tâm trong các phiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác Á – Âu về lao động và việc làm lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự phiên khai mạc và phát biểu chào mừng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Hội nghị Bộ trưởng ASEM lần 4 về lao động việc làm là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, khẳng định vai trò đối thoại, hợp tác Á – Âu trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi kinh tế phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù những thành quả trong hợp tác ASEM thời gian qua là đáng khích lệ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế quan trọng của ASEM. Chính vì thế, ASEM cần phải tăng cường hợp tác, đẩy mạnh chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng chính sách về lao động theo hướng cụ thể. Đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và an sinh xã hội, tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức, biến động. Gắn đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Phục hồi kinh tế đi đôi với thực hiện Chương trình nghị sự việc làm bền vững. Tăng cường hợp tác ASEM trong các lĩnh vực cụ thể hơn, đặc biệt ưu tiên các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật.

 

vieclamthanhnien.jpg
Tạo việc làm cho thanh niên là chiến lược cần thiết và trọng tâm (Ảnh: Lao động)

Trên cơ sở những khuyến nghị này, hội nghị có hai phiên thảo luận mở với hai chủ đề quan trọng: Chính sách thúc đẩy việc làm cho thanh nhiên và các nhóm dễ bị tổn thương; Các thách thức về an sinh xã hội, trách nhiệm của doanh nghiệp và an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang làm xói mòn lòng tin của xã hội vào những chính sách của các chính phủ trong việc giúp tăng trưởng bền vững.

Tỉ lệ thất nghiệp cao, cơ hội việc làm giảm đang tạo ra sự mất cân bằng trong an sinh xã hội của nhiều quốc gia, thậm chí ngay cả ở quốc gia phát triển. Điều này cũng sẽ tạo ra nhưng nguy cơ bất ổn về chính trị.

Chính vì vậy, để giảm thiểu những tác động này, các Bộ trưởng cho rằng, cần tái cấu trúc thị trường lao động, tập trung tạo việc làm cho giới trẻ, và nhóm lao động dễ bị tổn thương như phụ nữ, người tàn tật. 

Thứ trưởng Bộ Lao động và An sinh Cộng hòa Cyprus, George Papageorgiou -  Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu, chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức này trong việc tăng cường việc làm cho thanh niên.

Kinh nghiệm của châu Âu được cụ thể trong Chiến lược châu Âu 2020. Theo chiến lược này, EU đặc biệt ưu tiên đến đối tượng lao động trẻ tuổi. Một “Gói việc làm” được đưa ra, trong đó có “Sáng kiến tạo cơ hội cho thanh niên”, “Phát triển những kỹ năng mới”, để giúp các nước thành viên cải cách thị trường lao động, tăng hiệu suất  lao động thông qua việc trang bị các kỹ năng mới, giúp người lao động tiếp cận với những đòi hỏi của thị trường.

“Trong Chiến lược Thanh niên Liên minh châu Âu 2010-2018 chúng tôi cũng đề cập đến việc tạo nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho thanh niên”, ông George nói.

Bên cạnh việc tạo việc làm, vấn đề an sinh xã hội cũng được các Bộ trưởng quan tâm. Đảm bảo an sinh xã hội là chìa khóa để giữ ổn định xã hội. Cuộc khủng hoảng chính trị ở các nước Trung Đông, Bắc Phi, các cuộc biểu tình lớn tại Hi Lạp, Tây Ban Nha, hay biểu tình Phố Wall tại Mỹ là bài học lớn trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, hài hòa hóa lợi ích của người lao động.

Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Pakistan Muhamad Ahsan Raja cho biết, bảo đảm an sinh xã hội phải được đặt song song bên cạnh các chương trình tạo việc làm. “Chúng tôi rất chú trọng đến các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ chế lương hưu cho người già và người thất nghiệp, chính sách trợ cấp đối với người tàn tật, trẻ em và phụ nữ. Pakistan đã thiết lập một ủy ban giám sát về vấn đề an sinh xã hội nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện các vấn đề an sinh minh bạch”.

Là thành viên tích cực trong tiến trình Hội nhập ASEM, Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến, khuyến nghị tại hội nghị. Chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực tăng trưởng việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang triển khai rất nhiều chương trình đề án tạo việc làm. Đó là Chương trình Việc làm quốc gia, Chương trình Dạy nghề cho thanh niên, giải quyết việc làm gắn với xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam cũng bắt đầu triển khai bảo hiểm thất nghiệp và tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ việc làm công. Đây là mô hình dịch vụ tổng hợp về giới thiệu việc làm, tổ chức thực hiện chương trình bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và bồi dưỡng tay nghề.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng.

Tuyên bố chung này là những khuyến nghị đệ trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM, dự kiến được tổ chức vào đầu tháng tới tại Vientiane (Lào)./.)