Từ kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam. Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2013. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là cơ quan được Quốc hội giao chủ trì thực hiện dự án Luật này.

Theo dự kiến, từ tháng 1-5/2013, Ban soạn thảo sẽ hoàn thành dự thảo tờ trình và dự thảo Luật lần thứ nhất, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; tổ chức để các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thảo luận, góp ý.

oi-nghi.jpg
Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ X Ủy ban TW MTTQ Việt Nam

Cùng với đó là việc tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để hoàn thành dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2013).

Từ tháng 6-10/2013, hoàn thành dự án Luật gồm: Dự thảo Tờ trình; Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành hữu quan; Bản thuyết minh chi tiết về dự thảo Luật; báo cáo đánh giá tác động…. gửi về Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thẩm tra chính thức.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong quá trình thực hiện dự án luật, có những thuận lợi là toàn bộ hệ thống chính trị đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và một số cơ quan đang tổ chức, xây dựng đề án “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội”… để trình Bộ Chính trị ban hành.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo cũng gặp không ít khó khăn. Đó là Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) được soạn thảo song song với việc soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì thế có những nội dung cơ bản của dự án luật này như “MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, “Mặt trận giám sát và phản biện xã hội”… là những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau cần phải được Quốc hội nhất trí quy định trong Hiến pháp, nếu không sẽ không có cơ sở để cụ thể hóa trong Luật MTTQ Việt Nam…/.