Ngày 1/6 là hạn cuối cùng để Ủy ban Bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình. Theo báo cáo của các địa phương, kết quả bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ở HĐND cấp xã, nhiều địa phương không bầu đủ hơn 2/3 số lượng cần bầu được ấn định, có địa phương thiếu đến 300-400 đại biểu, thậm chí có nơi cả Bí thư và Chủ tịch đều không trúng cử HĐND xã.

Tại Nam Định, số đại biểu HĐND cấp xã thiếu 213 người và sẽ tổ chức bầu cử thêm 37 đại biểu tại 18 xã của 8 huyện. Tỉnh Phú Thọ thiếu 333 đại biểu HĐND cấp xã và tỉnh này đã tổ chức bầu cử thêm 92 đại biểu vào ngày Chủ nhật 29/5 vừa qua.

vov_bau_cu_wyfg.jpg
Cử tri ngày càng có trách nhiệm với lá phiếu bầu, không bầu cho xong (Ảnh: Việt Đức)
Ngay thủ đô Hà Nội, số đại biểu HĐND cấp xã cũng bầu thiếu 272 người. Đáng chú ý, có những địa phương như Thanh Hóa, trong tổng số hơn 400 đại biểu HĐND cấp xã bầu thiếu, tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, cả Bí thư và Chủ tịch xã đều không được bầu vào HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021. Các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Phú Yên, Đăk Nông, Lâm Đồng.. cũng sẽ tiến hành bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp xã.

Vì sao có thực tế này? Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, lý giải: Khi đi tiếp xúc cử tri ở địa phương, rất nhiều vấn đề lẽ ra được giải quyết ngay từ cơ sở với vai trò của cơ quan dân cử địa phương. Tuy nhiên, những vấn đề đó lại không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo dẫn đến tình trạng người dân phải kiến nghị lên cấp cao hơn.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng: Việc bầu thiếu đại biểu HĐND cấp xã vừa qua phản ánh ý chí của cử tri, cho thấy cử tri ngày càng đòi hỏi cao hơn ở HĐND cấp cơ sở vì đó là những người gần dân nhất, trực tiếp giải quyết những vấn đề thiết thân nhất với người dân.

“Đành rằng nó là kết quả của một bộ phận cử tri nào đó không quan tâm đúng mức tới cuộc bầu cử này, có thể là bỏ phiếu không đúng quy cách, xóa bỏ tất cả mọi người hay thiếu số lượng, nhưng điều tôi thấy rõ hơn là người dân đã chú trọng việc bầu ra những người đại diện cho mình, trước hết là vì họ không hài lòng với những gì đã có, họ mong muốn cái gì tốt hơn. Đương nhiên khi đi vào phân tích thì phải phân tích những vấn đề hết sức cụ thể, nhưng phần nào kết quả đó phản ánh đòi hỏi của người dân và đòi hỏi hỏi đó đã được thể hiện qua lá phiếu của cử tri”, ông Dương Trung Quốc phân tích.

Trước thềm cuộc bầu cử ngày 22/5 vừa qua, câu chuyện được bàn thảo sôi nổi nhất ở các địa bàn dân cư là bầu ai, chọn ai vào HĐND cấp xã, phường. Hầu hết ứng viên đều được cử tri ở địa phương thuộc mặt, nhớ tên và họ cũng cân nhắc rất kỹ xem người đó có xứng đáng hay không. Là cán bộ hưu trí, tham gia tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND phường, ông Lê Phương Văn ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề bức xúc của người dân đã được gửi đến đại biểu HĐND phường. Đại biểu nào phản ánh tiếng nói của cử tri thì sẽ được cử tri tin tưởng, đánh giá cao và lựa chọn. Ai làm được việc, ai không làm được việc, người dân đều biết cả.

Ông Lê Phương Văn nói: "Trong các cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử, cử tri đã chất vấn và đề đạt nhiều nguyện vọng với ứng cử viên HĐND phường. Nhưng không phải tất cả ứng cử viên đều trả lời được. Giả sử như ở phường này, có 7 đại biểu được đưa ra, nhưng chỉ cử đại diện đứng lên trả lời thắc mắc của cử tri. Trong khi cử tri muốn chất vấn từng đại biểu. Ứng cử viên đến khu vực này ứng cử có nắm được tình hình ở đây không, có gì thuận lợi, có gì khó khăn. Nếu như không biết, không nắm được thì người dân cũng không bầu”.

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc không bầu đủ số lượng đại biểu HĐND xã, phường là câu chuyện bình thường trong sinh hoạt dân chủ chính trị. Điều đó cho thấy trách nhiệm chính trị của người dân ngày càng được nâng lên và cũng cho thấy bước tiến về dân chủ. Cử tri quan tâm nhiều đến HĐND cơ sở, đặt kì vọng vào từng đại biểu HĐND nên có sự cân nhắc, lựa chọn kĩ càng, chỉ lựa chọn những người họ thực sự thấy đủ trình độ, năng lực để đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của mình.

Cũng từ kết quả bầu cử HĐND cấp xã, phường vừa qua, ông Lê Minh Thông cho rằng, cần đánh giá, nhìn nhận việc chọn ứng cử viên đã thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống của người dân hay chưa? Công tác vận động bầu cử cũng cần nghiên cứu hoàn thiện để cử tri tiếp cận nhiều hơn với ứng cử viên, từ đó có đánh giá khách quan, toàn diện hơn trước khi bỏ phiếu bầu.

Ông Lê Minh Thông nhấn mạnh: “Công tác vận động bầu cử của chúng ta cũng cần nghiên cứu hoàn thiện. Để cử tri biết tường tận về ứng cử viên, về chương trình hành động của ứng cử viên đó thì phải thông qua vận động bầu cử. Cho nên công tác vận động bầu cử cũng phải tính toán để cử tri tiếp cận nhiều hơn với ứng cử viên. Nếu chúng ta chỉ tiếp xúc với đại cử tri thì rõ ràng thông điệp của ứng cử viên đến với từng cử tri bị hạn chế. Một yếu tố nữa có thể cũng phải nghiên cứu đó là quan hệ phức tạp ở nông thôn, cơ sở. Nó có thể tác động đến kết quả bầu cử, như yếu tố về dòng họ, văn hóa từng thôn, bản, lệ làng cũng tác động vào việc lựa chọn”.

Như vậy, với việc bầu thiếu số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phường, Ủy ban Bầu cử các địa phương sẽ chỉ đạo tổ chức bầu cử thêm để đảm bảo đủ số lượng theo quy định của Luật. Công việc này có thể tốn kém hơn và mất thêm thời gian nhưng rõ ràng, đó là câu chuyện bình thường trong bầu cử và nó cũng cho thấy cử tri ngày càng trách nhiệm hơn, không bầu cho qua mà có nghiên cứu, cân nhắc kĩ càng trước khi bỏ phiếu./.