Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều 22/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đa số các đại biểu nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi cần phù hợp với yêu cầu cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán.

Góp ý về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, có đại biểu cho rằng quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng quy định trong Dự thảo Luật còn quá chung chung không nêu rõ các ngành, nghề bị cấm đầu tư và có quá nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định, làm giảm tính khả thi của Dự thảo Luật. Do vậy, Dự thảo Luật cần quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư, tạo sự minh bạch cho các nhà đầu tư và thực thi luật trong thực tế

Về vấn đề bảo đảm về vốn và tài sản bảo đảm, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến, Dự thảo Luật có nêu trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát được những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Ông Phùng Quốc Hiển nêu dẫn chứng: “Hiện nay, Ủy ban đang được giao việc khảo sát di chuyển Khu công nghiệp Biên Hòa ra khỏi thành phố, và cần số vốn rất lớn. Vậy thực hiện bằng luật nào, đền bù, trưng mua, trưng dụng hay ưu đãi bằng các loại thuế. Nhiều khi việc di chuyển không chỉ là vì mục đích an ninh quốc phòng mà chỉ là vì môi trường. Lý do này sẽ diễn ra ở nhiều nơi ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác nữa. Cho nên đề nghị điều 6 của Dự án Luật cần bao quát hơn”.

Góp ý về lĩnh vực, địa bàn và ưu đãi đầu tư, một số đại biểu cho rằng Luật cần quy định theo hướng minh bạch, công khai và thể hiện quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề thu hút đầu tư như ưu tiên những lĩnh vực công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch... Ngoài ra, với những trường hợp dự án đầu tư lớn cần ưu đãi vượt khung quy định pháp luật, dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền của Chính phủ quy định các ưu đãi cho các dự án này. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, mục đích của Luật là nhằm giải phóng tiềm năng của đất nước, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động và tăng nguồn thu cho đất nước. Tuy nhiên, những quy định trong dự thảo Luật vẫn còn khá sơ sài, thiếu chặt chẽ và chưa có chiều sâu. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện đầy đủ nhằm khắc phục được tối đa những vấn đề nảy sinh trong thực tế, đảm bảo được sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài./.