Chiều 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết dự kiến bố cục gồm 10 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Về các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa (từ Điều 3 đến Điều 8), Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 11 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật,… 

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị trong tổ chức, thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến người dân và uy tín của các cấp chính quyền. Đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng vì đây là một trong các biện pháp để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.  

Về việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất, bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, quy định như Dự thảo Nghị quyết thực chất là điều chỉnh quy trình, cho phép việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất được thực hiện trước việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, nhằm tiết kiệm thời gian, do đó cơ bản tán thành với chủ trương này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thuyết phục, rõ ràng, minh bạch, đề nghị làm rõ hiệu lực pháp lý của kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, không làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ chủ động thực hiện để bảo đảm tính linh hoạt, bao quát mọi trường hợp phát sinh.

Về tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công, cần quy định rõ thời hạn thực hiện tương ứng thời hạn áp dụng thí điểm, bảo đảm đúng với tính chất “thí điểm” như quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và ghi rõ nội dung này trong Điều 6 của Dự thảo Nghị quyết.  

Về thẩm quyền giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, bà Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đi đôi với giao quyền hạn, đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thực hiện, tránh lợi dụng. Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ việc thu hồi ưu đãi, giấy phép, chấm dứt hoạt động trong các trường hợp được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy hải sản nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, quy định nghiêm cấm việc chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài thuê lại, sử dụng khu vực biển được giao, được cấp phép./.