Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Pháp lệnh). Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam.
Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung một lần năm 2008), Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hữu nghị, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.
Thượng tướng Lê Chiêm: Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường |
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới.
Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, dẫn tới nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn.
Tuy nhiên, theo Thượng tướng Lê Chiêm, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới là Pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội cho biết, việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.
Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là kế thừa Pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng,nhất là trong tình hình hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của lực lượng này.
“Nghiên cứu phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ hoặc “khoảng trống” về trách nhiệm trên biển” – Thượng tướng Võ Trọng Việt nói.
Ngoài ra, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác… Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần làm rõ hơn địa vị pháp lý cũng như chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam để tránh chồng chéo với các lực lượng khác trên biển.
“Các luật đã quy định các lực lượng khác trên biển nên luật này phải làm kỹ để thấy rõ Cảnh sát biển ở đâu, nếu không sẽ có chồng chéo trên biển vì phối hợp là vấn đề phức tạp” – Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình lưu ý./.
Cảnh sát biển Việt Nam: Không để ngư dân đơn độc nơi biển xa