Sau 3 năm thực hiện quy chế số 1723/QC-BĐBP-CSB, ngày 16/06/2014 giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự trên các vùng biển đã có 2.677 nguồn tin có giá trị được lực lượng 2 bên trao đổi thông báo cho nhau, phát hiện 1.778 tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền và xử lý 159/205 đối tượng vi phạm trên biển.

Đó là một trong những kết quả nổi bật được nêu tại Hội nghị sơ kết 3 năm công tác phối hợp diễn ra chiều ngày 29/12 tại trụ sở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

anh_luc_luong_2_ben_phoi_hop_tuyen_truyen_wdom.jpg
Lực lượng hai bên phối hợp tuyên truyền.

Thực hiện quy chế phối hợp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền.

Hai bên đã thực hiện 3 chuyến kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá Vịnh Bắc Bộ, giải quyết xử lý 4 vụ cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, phát hiện 36 tàu vận tải nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, xác minh 477 vụ với 380 tàu và 3.261 ngư dân liên quan đến tàu cá của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, xua đuổi, tịch thu, đập phá tài sản. Đồng thời phối hợp tổ chức 3 đợt đón, tiếp nhận 1.162 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ về nước bằng đường biển, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện kiểm tra, hai lực lượng còn phát hiện và đấu tranh xử lý 26 vụ việc vi phạm trên biển; thực hiện 52 vụ tìm kiếm cứu nạn với 87 lượt tàu thuyền, phương tiện và cứu được 910 ngư dân bị nạn. Đặc biệt các đơn vị hai bên phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn máy bay Su 30 và máy bay Casa 212 bị nạn vào tháng 6 năm 2016.

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: "Trước đây với chức năng, nhiệm vụ của mình, hai lực lượng đã có những hoạt động cụ thể phối hợp, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng từ năm 2014, sau khi kí quy chế phối hợp thì đã có bước phát triển mới, thể hiện trong nhận định đánh giá tình hình để cùng nhau tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương.

Rất nhiều nội dung được thống nhất trong bản kí kết, trong đó tập trung chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm, vấn đề hoạt động tai nạn rủi ro trên biển của ngư dân. Các lực lượng đều phải nghiêm túc thực hiện quy chế và trong quá trình phối hợp phải đem hết khả năng của mình, hết sức khách quan, trung thực trên cơ sở vì trách nhiệm chung, vì an ninh chủ quyền biển đảo của  Tổ quốc”.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình khu vực tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, tình hình tội phạm vi phạm trên biển cũng có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là hoạt động buôn lậu gian lận thương mại trên biển.

Sự can trường, vững vàng, tỉnh táo của cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng cùng các lực lượng chức năng trên biển, càng khẳng định rõ ý chí quyết tâm của các cán bộ chiến sĩ trong việc thực thi pháp luật, đảm bảo an toàn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc.

Không chỉ vậy, trong suốt những năm qua, các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng còn là điểm tựa cho ngư dân dù trên bờ hay khi đi khai thác trên biển đều yên tâm làm ăn sinh sống, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước./.