Trao đổi với phóng viên sáng nay (14/11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 4/5 Bộ trưởng trả lời chất vấn đã được chọn là Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

anh-ong-phuc-xin.jpg
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

PV:Trong số 4 Bộ trưởng đăng đàn lần này, một số đại biểu băn khoăn tại sao các tư lệnh những ngành "nóng" không có tên? Phải chăng nên đổi mới bằng cách đưa ra danh sách tất cả các Bộ trưởng để đại biểu chọn, hơn là gợi ý 5 vị Bộ trưởng, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Một nguyên tắc khi chọn các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn là phải có ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đoàn thư ký có phát phiếu cho các đại biểu, đề nghị các đại biểu có câu hỏi gì thì gửi Đoàn Thư ký.

Trên cơ sở 2 lần tổng hợp ý kiến của tất cả các vị đại biểu Quốc hội có câu hỏi chất vấn các vị Bộ trưởng, Đoàn Thư ký sẽ xem xét vị Bộ trưởng nào có nhiều câu hỏi thì sẽ đưa ra danh sách 5 Bộ trưởng được đưa ra trên cơ sở từ cao xuống thấp và chọn lấy 4, chứ không thể chọn hết tất cả.

Qua tổng hợp, cuối cùng đã báo cáo Thường vụ Quốc hội, đến hôm nay đã chọn ra 4/5 Bộ trưởng trả lời chất vấn. Theo thứ tự là Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cũng ở trong diện chưa được trả lời chất vấn bao giờ, nhưng xếp theo thứ tự thì các đại biểu chấm 4 Bộ trưởng trên. Bốn vị Bộ trưởng được chọn đều trên 80% số phiếu mà đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.

Ngoài nguyên tắc trên, khi chọn các vị Bộ trưởng đăng đàn cũng phải trên cơ sở những vấn đề bức xúc trong thực tiễn trong thời gian vừa rồi, qua báo cáo ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc.

Nguyên tắc tiếp theo là ưu tiên các vị Bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ tới giờ chưa có điều kiện trả lời chất vấn trước Quốc hội.

PV:Phải chăng do thời gian qua xảy ra vụ oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn mà các đại biểu Quốc hội chọn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để đăng đàn chất vấn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Có lẽ trong quá trình chất vấn, khi các đại biểu hỏi sẽ có nội dung này. Tuy nhiên, đưa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đăng đàn chất vấn không chỉ có vấn đề oan sai, mà còn là những nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành tòa án.

PV:Vừa qua, đại biểu và cử tri bức xúc nhiều về ngành y tế, đặc biệt là sau vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường. Tại sao không xin ý kiến các đại biểu đưa Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời chất vấn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Khi đưa ra xin ý kiến các đại biểu về những Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn, trên cơ sở câu hỏi chất vấn mà vị đại biểu gửi đến Đoàn Thư ký thì Bộ trưởng Bộ Y tế cũng không nhiều, đứng thứ 7 hoặc 8, nên không đưa vào danh sách 5 Bộ trưởng xin ý kiến Quốc hội.

PV:Cách thức chất vấn có gì khác những kỳ trước không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Kỳ này phiên chất vấn có đổi mới đó là có một buổi dành cho Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 khóa XIII. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường. Đây là một điều rất mới, chưa từng có từ trước đến nay.

PV: Theo thông lệ cứ đến kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn. Lần này thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Bao giờ cũng thế, đến cuối năm Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo những ý kiến tập hợp được qua các vị Bộ trưởng trả lời. Thủ tướng sẽ phát biểu và sau đó có trả lời các vị đại biểu Quốc hội nếu như có chất vấn thêm. Nội dung chất vấn Thủ tướng cũng rất rộng, nhiều vấn đề.

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.