Chiều nay (12/11), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Theo đó, Luật giao thông đường thủy nội địa sau 8 năm thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, quy định còn thiếu, chưa đồng bộ với một số luật hiện hành.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 33 điều trong tổng số 103 điều của Luật giao thông thủy nội địa 2004, bổ sung một chương mới gồm 3 điều. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào những bất cập nhất của Luật hiện hành.

Phương tiện chở khách phải có yêu cầu cao hơn

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng  cho biết: Sau 8 năm thực hiện, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp. Trong các nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện còn thấp nêu trên, có thể có nguyên nhân do quy định về đăng ký, đăng kiểm tại Điều 24 chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện thủy là phổ biến.

Về đề nghị mở rộng loại phương tiện miễn đăng ký, đăng kiểm tại khoản 3 Điều 24, nhiều ý kiến của Ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này vì đây là những loại phương tiện tham gia GTĐT chủ yếu hiện nay. Việc xem xét quy định những loại phương tiện nào cần đăng ký, đăng kiểm phải xuất phát trước hết từ yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng người tham gia giao thông chứ không phải chỉ để giải quyết tình trạng quá tải và những bất cập của công tác đăng ký, đăng kiểm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích rõ các nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm để điều chỉnh các quy định liên quan nhằm quản lý phương tiện phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn GTĐT.

Cần làm rõ hơn một số khái niệm

Ủy ban KHCN-MT cũng đề nghị bổ sung quy định đối với phương tiện GTĐTNĐ kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về an toàn so với phương tiện tự đi lại thông thường nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước, bảo đảm an toàn cho hành khách; đối với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm… cần bổ sung các quy định cụ thể hơn.

Ủy ban KHCN-MT cho biết: nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật GTĐTNĐ 2004 thì ĐTNĐ được hiểu là toàn bộ các luồng, tuyến trên sông, kênh, ven bờ biển, tuyến, luồng ra đảo, đường nối các đảo. Nhưng thực tế hiện nay, trên sông, vịnh, vùng nước ven biển còn có các luồng hàng hải áp dụng theo quy định của Bộ Luật hàng hải; có tình trạng có đến 2 cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải và về ĐTNĐ trên cùng một vùng sông, nước, dẫn đến còn có giao thoa trong việc quản lý và áp dụng pháp luật. Ủy ban KH,CN-MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ vấn đề này để có sửa đổi hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm phát triển hiệu quả các loại hình vận tải và thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động giao thông trên cùng một địa bàn.

UB KHCN-MT cũng đề nghị, nội dung sửa đổi luật phải thể hiện đậm nét hơn về phát triển hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ nhằm đưa nước ta thành nước công nghiệp vào năm 2020. Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá, giao thông đường thủy nội địa là phương thức vận tải giá rẻ, phát huy lợi thế tự nhiên, góp phần giảm tải đường bộ. Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu những bất cập về giao thông đường thủy nội địa và hàng hải để tránh tình trạng trùng lắp, thống nhất quản lý nhà nước về giao thông trên cùng địa bàn. Báo cáo nhất trí mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các vùng nước không phải đường thủy nội địa, đồng thời các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước với giao thông đường thủy nội địa.

Cũng giống như một số dự thảo Luật đã được trình trước đó, theo UB KHCN-MT,  trong Dự thảo Luật còn nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ, Bộ quy định. Một số quy định còn chung chung, dễ dẫn đến khó thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện tùy tiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định nêu trên theo hướng hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn chi tiết thi hành; đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đối với những điều, khoản giao Chính phủ hướng dẫn, đề nghị có Dự thảo Nghị định kèm theo./.