Nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều tối nay (21/10), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp mặt các nữ Đại biểu Quốc hội. Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết… Theo bà Trương Thị MaiChủ tịch Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam: Nếu như nhiệm kỳ thứ nhất của Quốc hội, tỷ lệ nữ là Đại biểu Quốc hội chỉ có 3% thì đến Quốc khóa XIII đã tăng lên trên 24%. Các nữ Đại biểu Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò, uy tín của mình trong Quốc hội và cử tri. Cùng với dành tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ đóng góp tích cực vào các hoạt động của Quốc hội thì một trong những mục tiêu quan trọng của Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội là thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về giới, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ và trẻ em.Tại cuộc gặp mặt, một số ý kiến nữ Đại biểu Quốc hội đại diện cho các vùng miền trên cả nước bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là quan tâm nhiều hơn nữa đối với đời sống của bà con các dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em; nâng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bà con dân tộc; quan tâm đào tạo nghề cho chị em phụ nữ gắn với tạo việc làm; sớm hướng dẫn thực hiện quy định về tuổi nghỉ hưu, nghiên cứu mở rộng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ phi chính thức, phụ nữ ở nông thôn…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn, đánh giá cao, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết và xây dựng của các nữ Đại biểu Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh những đóng góp quan trọng, thiết thực của chị em phụ nữ nói chung và các nữ Đại biểu Quốc hội nói riêng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Thủ tướng đặc biệt hoan nghênh, đánh giá cao hoạt động của Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội đã và đang tạo diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận về lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong công tác lập pháp, giám sát cũng như nâng cao kỹ năng phân tích vấn đề giới, thẩm tra lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong xây dựng, thực thi pháp luật... góp phần thể hiện ngày càng tốt hơn vai trò, bản lĩnh, trí tuệ của người đại biểu dân cử đối với cử tri và đất nước.Chia sẻ những khó khăn, vất vả đối với chị em phụ nữ, nhất là cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhận thức về vai trò, năng lực của phụ nữ và công tác bình đẳng giới vẫn còn hạn chế; công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ có nơi chưa được quan tâm thường xuyên; tư tưởng định kiến giới còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân… Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục hữu hiệu hơn từ các cơ quan chức năng trong toàn bộ hệ thống chính trị về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới mà một trong những nội dung hết sức quan trọng là tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội cùng với Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt vai trò người đại biểu của nhân dân, đóng góp to lớn hơn nữa vào các hoạt động của Quốc hội cũng như công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, mà cụ thể là thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu là đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.