Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. 

Thiếu văn bản quy phạm pháp luật 

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách hành chính, từ đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng. 

Đầu mối bên trong các cơ quan giảm, một số địa phương đã mạnh dạn hợp nhất một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, ở cấp huyện cũng đã sắp xếp một số đơn vị có chức năng tương đồng, đồng thời bố trí kiêm nhiệm nhiều chức danh.

dai_bieu_thang_clcz.jpg
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương).

Đối với các xã đã tích cực sáp nhập các thôn, khu dân cư không đủ tiêu chí, giảm bớt cán bộ hoạt động không chuyên trách. Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý được giảm bớt, biên chế được tinh giản, đúng mục tiêu và lộ trình theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Những kết quả đó đã giúp tinh giản biên chế, giảm nhiều đầu mối tổ chức và đội ngũ lãnh đạo, đồng thời giảm chi ngân sách cho bộ máy, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phân cấp mạnh hơn, xác định rõ trách nhiệm hơn, giảm bớt chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả công tác được nâng lên.

 “Thực tiễn cho thấy, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cùng với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất đúng, rất trúng, là đòi hỏi của thực tiễn khách quan cần phải đẩy mạnh hơn nữa” – đại biểu Phạm Xuân Thăng cho biết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập, vì đây là vấn đề lớn, vừa khó, vừa phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Một trong những khó khăn là thiếu văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, thiếu cơ chế chính sách đối với cán bộ bị tác động do sắp xếp.

Trong Nghị quyết 56 của Quốc hội xác định trách nhiệm và lộ trình cụ thể khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay một số văn bản chưa được ban hành.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Đặc biệt, cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và cách làm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 56 của Quốc hội đó là sáp nhập đơn vị hành chính, hợp nhất, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không đơn giản là giảm đầu mối hành chính hay giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quan trọng hơn là kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đổi mới phương thức lãnh đạo, phân cấp mạnh hơn, nâng cao trách nhiệm kỷ cương công vụ, trình độ cán bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân.

Không sáp nhập các đơn vị hành chính bằng bất cứ giá nào

Đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi nói về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2019-2021 là không tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính bằng bất cứ giá nào, đại biểu Thăng cho rằng, cần phải chú trọng cân nhắc tới yếu tố đặc thù, truyền thống, văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên, yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh trật tự, an toàn xã hội.

“Đề nghị Bộ Nội vụ cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp để khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đảm bảo ổn định và phát triển. Đề nghị Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát về tổ chức thực hiện Nghị quyết 56 của Quốc hội tại các địa phương, cơ quan đơn vị sao cho hiệu quả” – đại biểu Thăng nêu rõ./.