Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 38, sáng nay (14/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 đề án về điều chỉnh địa giới hành chính với sự tán thành của 100% đại biểu có mặt. Các đề án mới sắp tới sẽ tạm dừng trình, xem xét thông qua để chờ bộ tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
Thành lập 6 thị xã, huyện và thành phố, mở rộng thị xã Sầm Sơn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tại phiên họp về việc thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước.
Các ý kiến cũng nhất trí thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; Thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trước những băn khoăn về nguồn lực Trung ương đầu tư cho những đơn vị mới được điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu khẳng định vẫn trong khả năng. Vì theo Tờ trình của 6 Đề án thì nguồn lực rất lớn (khoảng 26.000 tỷ đồng) nhưng phần ngân sách Trung ương chỉ khoảng 1.700 tỷ đồng, còn phần chính thuộc ngân sách địa phương và các nguồn khác.
“Nhu cầu 1.700 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương là không lớn và có thể cân đối được trong 5 năm tới. Cả 6 tỉnh đều có dư địa để bố trí như Trà Vinh có thể bố trí cho các dự án hơn 2.000 tỷ, Thanh Hóa còn gần 5.000 tỷ đồng. Các địa phương sắp xếp vào Trung hạn sẽ được đầu tư”, ông Đào Quang Thu cho biết.
Ngoài ra Chính phủ cũng có chính sách về hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là tỉnh, huyện tách chưa có trụ sở.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh các đề án thể hiện rõ nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện cho các vùng đang phát triển mạnh và đáp ứng chủ trương bảo đảm quốc phòng an ninh.
Về hoạt động của chính quyền địa phương tại những đơn vị này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không đặt vấn đề bầu lại HĐND và UBND cơ bản chỉ định lâm thời để sang năm bầu chính thức.
“Điều đó đòi hỏi cấp ủy phải rất chú ý đặc điểm đơn vị hành chính mới để lãnh đạo nhân sự chuẩn bị Đại hội đảm bảo đoàn kết, có lâm thời chỉ đạo giải quyết công việc ngay trong giai đoạn này, không được làm xáo trộn, ảnh hưởng. Tỉnh nào làm không tốt là vì chỉ đạo không tốt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tạm dừng xem xét thông qua đề án mới
Đây là phiên làm việc thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (thẩm quyền này trước đây thuộc Chính phủ).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ việc trình, xem xét các đề án còn có những hạn chế như chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn mới; dẫn tới vẫn tăng biên chế… Đồng thời nhấn mạnh địa phương phải chủ động, tập trung nguồn lực của mình cho vùng mới nâng cấp, chia tách, lập mới để đảm bảo hoạt động, nâng cao chất lượng, không phải cứ ngồi chờ Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tạm dừng việc trình xem xét thành lập, chia tách, sát nhập, nâng cấp để chờ thông qua bộ tiêu chí mới, đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Liên quan đến biên chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nói không tăng cũng khó nhưng phải hạn chế thấp nhất. Các địa phương đã cam kết nên những nơi tách ra cố gắng điều động sắp xếp trong tổng biển chế hiện có.
Về nguồn lực, bà Ngân cũng đề nghị địa phương chủ động, huy động xã hội hóa, còn phần ngân sách Trung ương hỗ trợ phải có mức hợp lý, hài hòa, công bằng giữa các tỉnh tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí dừng xem xét các đề án mới và đề nghị Chính phủ sớm xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vì hiện nhiều quy định quá lạc hậu (nhà tang lễ, số điện thoại trên đầu dân, dân số…) do được ban hành từ năm 1981/.