Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Dược (sửa đổi) do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay (11/9) tại Hà Nội, những bất cập trong quản lý giá thuốc hiện nay đã được các đại biểu chỉ rõ, nhất là tình trạng nhập nhằng về giá, cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi một giá khác nhau. 

Các đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật lần này cần có các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc, góp phần bảo vệ quyền lợi của người bệnh.

thuo_eqgr.jpg
Hiện nay vẫn còn tình trạng nhập nhằng về giá, cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi một giá khác nhau (Ảnh minh họa)

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 10 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật dược không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi. Luật chưa quy định chính sách tạo động lực cho việc phát triển công nghiệp dược như bảo đảm đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước, phát triển dược liệu, sản xuất vaccine, sinh phẩm… Bất cập đó dẫn đến tình trạng Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân.

Bên cạnh đó, một loạt bất cập trong quản lý nhà nước về giá thuốc cũng được các đại biểu chỉ rõ, nhất là tình trạng không minh bạch về giá.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nêu thực tế bản thân ông đi mua thuốc ở Hà Nội mới thấy có 2 đặc thù của loại hàng hóa này. Thứ nhất là không mặc cả, thứ hai là ngay trong Hà Nội thì giá ở mỗi nơi mỗi khác. Do vậy, nếu không có sự quản lý của nhà nước ở lĩnh vực này thì người đi mua thuốc sẽ chịu thiệt. Theo ông, phải có giá thuốc và khung giá không cao hơn ở các nước có điều kiện tương tự.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đồng tình giữ quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật, Bộ Y tế lại đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng trong thực tế rất khó khăn để xác định điều kiện y tế, thương mại của các nước tương tự Việt Nam.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, quy định trong Luật hiện hành về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế đến nay vẫn chưa thực hiện được. Lý do được đưa ra là cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định cơ sở xây dựng giá tối đa. Vì nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc thấp nhất thì sẽ không đảm bảo có đủ thuốc cung ứng, nhưng nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc cao nhất thì giá thuốc sẽ tăng theo.

Vì vậy, tại Dự thảo Luật trình lần này, Bộ Y tế đã bỏ quy định công bố giá tối đa, thay vào đó là quy định việc quản lý giá thuốc với các biện pháp quản lý cụ thể, thống nhất tại Luật giá, Luật đấu thầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

“Giá tối đa do quỹ BHYT chi trả. Thực tế trước chưa có Luật đấu thầu sửa đổi thì chúng ta quy định cái này vì trong thực tế đi giám sát giá thuốc thanh toán khác nhau ở các nơi. Sau khi quỹ BHYT chi trả thì dự kiến công bố lên để sau này giá thuốc đỡ chênh lệch so với các nơi. Hiện nay, theo Luật đấu thầu mới sau này sẽ tổ chức đấu thầu tập trung thì đấu thầu ấy chính là 1 loại công bố giá tối đa. Vì vậy, Ban soạn thảo nên suy nghĩ lại vấn đề này. Bởi vì đây là việc giúp chúng ta quản lý vĩ mô tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Theo các đại biểu, cùng với việc bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc, Dự thảo Luật sửa đổi lần này cần quy định các chính sách phát triển công nghiệp dược theo hướng ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam; có chính sách khuyến khích ưu tiên sử dụng thuốc trong nước, bảo đảm thuốc trong nước có thể thay thế được thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật./.