Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, Bộ NN-PTNT đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực tới hiệu quả phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết.

Chỉ rõ những yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thẳng thắng chỉ rõ, nông nghiệp, nông thôn nước ta còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Theo đó, việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, chưa đồng đều ở các địa phương. Nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực của ngành.

cao_duc_phat_kvty.jpgBộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

“Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; khu vực hợp tác xã còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện theo Luật HTX 2012; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; nông lâm trường quốc doanh chậm đổi mới; thu hút đầu tư tư nhân rất hạn chế”, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ.

Nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật được xác định là giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên, hoạt động này của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao, trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương chính sách đã ban hành còn chậm.

Một hạn chế thấy rõ nữa chính là năng suất chất lượng một số loại nông sản còn thấp, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; tình trạng buôn bán vật tư giả, chất lượng kém, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất vẫn diễn ra phức tạp. Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng phá rừng vẫn xảy ra; ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều nơi.

“Cứ từ từ thế này không ổn lắm!”

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam có 2 điểm nghẽn: Đầu ra của sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Dẫn báo cáo của Bộ NN-PTNT nhận định DN đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường, nhưng thông qua thương lái để thu mua, chưa gắn kết trực tiếp với nông dân, đại biểu cho rằng đây là đánh giá đúng và là điểm nghẽn đầu ra cũng như là tác nhân dẫn đến điểm nghẽn thứ 2. 

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng thành quả của nông nghiệp thời gian qua là đáng ghi nhận. Nông nghiệp là nơi an toàn cho nền kinh tế cũng như người dân trong điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước khó khăn. Tuy nhiên, cần chú trọng đến vấn đề giá trị gia tăng và chất lượng.

Đại biểu Trần Du Lịch

“Tại sao năng suất sinh học hàng đầu thế giới mà nông dân cứ nghèo? Phải chăng chi phí sản xuất chưa hợp lý? Chúng ta ca mãi bài ca được mùa mất giá. Trong tái cấu trúc chúng ta trả lời những vấn đề này bằng giải pháp như thế nào, như tác động thị trường ra sao, vai trò chính quyền thế nào?... Chính sách về giống và thức ăn ra sao khi DN trong nước chỉ chiếm thị phần thức ăn rất thấp”, đại biểu đặt vấn đề.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp vì thúc đẩy sản xuất theo chuỗi bấy lâu nay có tình trạng cắt khúc nên việc kết nối giữa DN và nông dân là một trong những khâu tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu.

“Làm thế nào để kết nối sản xuất với thị trường? Đầu tiên phải rà soát, tháo gỡ vướng mắc để cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Trong thực tế, lực lượng có thể tiếp cận và dẫn dắt theo thị trường là doanh nghiệp. Do đó giải pháp là tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, để nền nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, quan hệ giữa sản xuất và thị trường là vấn đề lớn. Bộ đã cùng các địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Những cây, con có lợi thế và đang có thị trường tốt vẫn đạt tăng trưởng cao nhờ kết hợp lợi thế và thời cơ. Quan trọng hơn nữa, các cơ chế chính sách đang dần hoàn thiện và triển khai quyết liệt sẽ tạo bước chuyển mới trong ngành nông nghiệp trong thời gian tới, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Trần Du Lịch, cần có động thái để người dân tin tưởng tình hình sẽ chuyển biến trong thời gian tới, vì “cứ từ từ thế này không ổn lắm!”./.