Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất (GAP) về lý thuyết không chỉ tạo điều kiện cho đầu ra thuận lợi mà còn giúp người nông dân tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, tránh tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại. Không khó để nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP khi nhu cầu về các sản phẩm sạch, có thể truy suất nguồn gốc đang tăng mạnh tại thị trường trong nước và là yêu cầu đầu tiên từ các đối tác, bạn hàng nước ngoài. Thế nhưng, với cách làm theo kiểu hô hào, “đánh trống bỏ dùi”, không ít nơi, nông dân đang có xu hướng quay lưng với mô hình và trở lại lối canh tác truyền thống.

Khác với cách theo kinh nghiệm: trồng, tưới, bong phân rồi chờ thu hoạch, áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt hàng chục đến hàng trăm tiêu chí kỹ thuật. Từ khâu làm đất đến lúc có sản phẩm đầu ra, tất cả các công đoạn phải thực hiện nghiêm và ghi chép tỷ mỷ theo đúng quy trình, thời gian. Trước bộn bề thủ tục phải thực hiện, nông dân vẫn hào hứng đăng ký tham gia với hy vọng: sản phẩm được đảm bảo về chất lượng, nâng cao được giá trị, đồng nghĩa với việc họ sẽ có thu nhập cao và ổn định.

nong_nghiep_jfax.jpgCần tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: báo Ninh Bình)

Tuy nhiên, thực tế triển khai không như mong đợi. Quy trình sản xuất khắt khe với ngày công, chi phí bỏ ra đáng kể không tỷ lệ thuận với đầu ra và giá bán sản phẩm. Đầu ra vẫn trong tình trạng phập phù, giá bán chỉ bằng sản phẩm thông thường khiến không ít nông dân chán nản, thậm chí nhiều người quay lưng, trở về với lối canh tác truyền thống.

Sản xuất thiếu gắn kết với thị trường. Nguyên nhân chính được chỉ ra khiến mô hình GAP ở Việt Nam chưa phát huy hiệu quả. Nông dân sản xuất theo chuẩn thì cứ sản xuất, còn đầu ra “sống chết mặc bay”. Con thuyền GAP không có người cầm lái, định hướng, ắt sẽ chịu cảnh đắm, nhẹ hơn là tự trôi dạt không phương hướng! Chưa kể, chi phí để có được một phiếu cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn GAP cũng không nhẹ.

Tại Tiền Giang, phí chứng nhận GlobalGAP cho khoảng 20 ha vườn cây ăn trái dao động ở mức 3.100 – 3.200 USD (tương đương khoảng 60 – 65 triệu đồng Việt Nam), còn VietGAP khoảng 40 triệu đồng. Không chỉ phải bỏ ra số tiền lớn, nông dân còn mất thêm một năm ròng để thực hiện khoảng 70 tiêu chuẩn của VietGAP và 234 tiêu chuẩn của GlobalGAP trước khi các tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận.

Thời gian qua, có rất nhiều mô hình trồng lúa, cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, theo sau đó là chăn nuôi được triển khai. Tuy nhiên, do đầu tư kiểu đứt đoạn, bị động về khâu tiêu thụ, sản phẩm làm ra hoặc không bán được hoặc bị đánh đồng với những sản phẩm không sạch khác khiến phạm vi triển khai ngày càng thu hẹp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thừa nhận: các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt mới chỉ tập trung các giải pháp kỹ thuật, chứ chưa tính đầy đủ khả năng tiếp cận thị trường và thu nhập của nông dân nên khó duy trì bền vững và mở rộng.

Vốn làm ăn theo lối nhỏ lẻ, manh mún, tiến trình “GAP hóa” trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta ắt hẳn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ có vậy, nông sản Việt mới có thể vươn xa, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, thị trường là động lực để thúc đẩy quy trình sản xuất theo GAP. Khắc phục những bất cập hiện nay, bài toán thị trường phải đi trước một bước. Bên cạnh đó cũng cần một chiến lược bài bản và nhất quán cho mô hình này. Sự kiện đầu năm 2014, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tài trợ 70 triệu USD cho Công ty cổ phần Bảo vật Thực vật An Giang phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Hay mới đây, hàng chục ha nhãn đặc sản tại Vĩnh Long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được các đối tác Mỹ chấp thuận vào thị trường khó tính này đang là những khẳng định chắc chắn về hiệu quả của GAP. Không chỉ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân mà còn kiến tạo những giá trị mới cho hàng nông sản Việt trên trường quốc tế./.