https://streaming1.vov.vn:8443/audio/vovvn1_vov1.stream_aac/playlist.m3u8
Chiều 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2024.
Phân cấp, phân quyền mạnh hơn để việc phân bổ vốn nhanh, kịp thời
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 như thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, đây là nội dung được nhiều đại biểu tiếp tục đề xuất trong sáng nay. Đại biểu Vũ Tuấn Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đánh giá, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Đại biểu thống nhất việc chuyển nguồn vốn 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022 để tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 sẽ là 24.000 tỷ đồng. Điều này bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu các chương trình đã đề ra, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của đồng bào cử tri, nhất là ở các khu vực miền núi, khu vực khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh, quan trọng là phân bổ sớm để giải ngân hiệu quả, tránh làm lãng phí vốn.
"Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thẩm quyền phân bổ ngân sách Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương là của Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm kịp thời triển khai chương trình và cũng để rõ trách nhiệm, tránh hình thức, tôi thống nhất với đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân bổ chi tiết và Chính phủ chịu trách nhiệm việc phân bổ. Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm tra. Đồng thời cần có quy định thời hạn cụ thể Chính phủ phải hoàn thành việc phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo tôi, nên quy định là chậm nhất trong tháng 3 năm 2022 để kịp thời triển khai thực hiện"- Đại biểu Vũ Tuấn Anh nêu ý kiến.
Các đại biểu nhìn nhận, phân cấp, phân quyền mạnh hơn là giải pháp hữu hiệu để việc phân bổ vốn nhanh, kịp thời, từ đó sớm triển khai vốn. Đây cũng là yêu cầu đặt ra trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, để lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội.
Để đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, liên kết khu vực, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, đề nghị: "Thực hiện triệt để việc phân cấp phân quyền từ trung ương đến địa phương. Qua thực tế cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều lý do, trong đó có một lý do khách quan tồn tại kéo dài nhiều năm là công tác giải phóng mặt bằng. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho các dự án giải phóng mặt bằng giao cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư đối với các dự án đi qua địa phương mình, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Còn theo đại biểu Khương Thị Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, để tạo điều kiện cho một tỉnh, một vùng có thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội, thì cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và đầu tư:
"Tôi đề nghị Chính phủ trong khi chưa sửa đổi Luật đất đai, đầu tư và các luật có liên quan, cần ban hành cơ chế đẩy mạnh phân cấp cho hội đồng nhân dân được quyết định một số nội dung, như chuyển mục đích sử dụng đất từ 10ha đến dưới 500ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị ủy quyền cho HĐND quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền nhằm đơn giản háo TTHC cho doanh nghiệp, sớm đưa các dự án vào hoạt động"- đại biểu Khương Thị Mai đề nghị.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng, thủ tục đầu tư trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính phân cấp cho địa phương.
Sớm đánh giá 1 số quy định về thích ứng an toàn với Covid-19
Cũng trong sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các giải pháp phòng chống dịch covid 19. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần: sớm đánh giá lại một số quy định tạm thời về việc thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả với dịch để có điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.
Các đại biểu đánh giá cao những quyết sách của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm thích ứng linh hoạt với tình mới; nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thuốc điều trị. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng: công tác dự báo tình hình dịch Covid-19, chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, việc ban hành một số quy định thủ tục hành chính ở một số địa phương không nhất quán, gây khó khăn cho đi lại, lưu thông hàng hóa. Theo đại biểu Mai Văn Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Chính phủ cần xem xét, sớm đánh giá lại một số quy định tạm thời về việc thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả với dịch covid-19 để có điều chỉnh phù hợp trong tình mới.
Đại biểu Mai Văn Hải nêu thực tế: "Người từ các tỉnh phía Nam trở về quê, một số người tiêm đủ 2 mũi vaccine được cách ly tại nhà nhưng do điều kiện gia đình, ý thức hạn chế nên khi nhiễm bệnh đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh dẫn đến phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát. Thực tế đó cho thấy một số người từ vùng dịch trở về dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng nguy cơ mang mầm bệnh rất cao. Do đó tôi đề nghị khuyến khích cách ly tập trung ở những nơi có điều kiện để đảm bảo phòng chống dịch không lây lan ra cộng đồng, đây là thực tế cần nghiên cứu điều chỉnh".
Theo các đại biểu, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới và nền kinh tế mau chóng phục hồi.
Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất: "Chính phủ cần xây dựng nội dung tổng thể công tác phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực kể cả con người và vật chất đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng chống dịch, nhất là khâu điều trị. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các giải pháp khuyến cáo của ngành chức năng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, để trục lơi, Tiếp tục rà soát bổ sung các văn bản pháp luật, các hỗ trợ chính sách cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo với tình hình diễn biến dịch phức tạp theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính điều kiện hỗ trợ nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do".
Một số đại biểu đánh cao việc Chính phủ thực hiện mục tiêu kép với phương châm thích ứng án toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19. Đây là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam vì chúng ta có quan hệ rộng mở với hầu hết các nước, độ mở nền kinh tế lớn.
Đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng. để đạt được phương châm chống dịch hiệu qua Chính phủ cần nhanh chóng có đủ vaccine bao phủ cho toàn dân, kể cả đối tượng là trẻ nhỏ. Bởi dù nhiễm Sasr- Cov-2 thì người bệnh cũng chỉ thể nhẹ không nguy hiểm đến tính mạng. Sớm phổ biến những thuốc đặc trị như hiện nay đang được thử nghiệm và được đánh giá rất tốt giúp người bị nhiễm Sars-Cov-2 nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng từ 5 đến 7 ngày. Có đủ hai yếu tố này thì chúng ta đã khá yên tâm để sống chung với Covid- 19 theo phương châm mới của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022 Việt Nam chủ động được nguồn vaccine theo nhu cầu, đặc biệt là nguồn vaccine trong nước để chúng ta không phải vất vả ngược xuôi như thời gian vừa qua, đồng thời giảm được chi phí mua vaccine.
Đề cập nội dung học trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19, một số đại biểu cho rằng: việc học trực tuyến không thể thay thế việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu, đảm bảo an toàn cho người học trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến thời gian qua bộc lộ những hạn chế như chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo; thiết bị sử dụng dạy và học còn hạn chế, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề xuất: Chính phủ cần có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng internet ổn định trong quá trình học trực tuyến; mở rộng đối tượng được tiếp cận với chương trình “Sóng và máy tính cho em”:
"Chính phủ cần nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp thực sự tham gia vào chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Chính phủ chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy học và tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng; tăng cường tập huấn việc sử dụng công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng các phần mềm dạy học hữu ích nói riêng cho giáo viên học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến ngay cả khi không có dịch xảy ra” - đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Bắc Ninh kiến nghị./.