Sáng nay (8/9), các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Đại biểu phải có năng lực về lập pháp, giám sát

Nêu ý kiến về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng quy định hiện tại không khác nhiều tiêu chuẩn của công chức, cán bộ Nhà nước.

“Đại biểu Quốc hội là phải tận tụy và gắn với tâm tư nguyện vọng của cử tri, có tư duy phản biện độc lập, vô tư để tránh khỏi tác động bên ngoài, tránh lợi ích nhóm, hoặc trong phản biện giám sát phải mạnh mẽ đi đến cùng vấn đề. Đại biểu phải có năng lực nhất định về lập pháp, giám sát, đặc biệt là đại biểu chuyên trách”, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến.

 

dai_bieu_chuyen_trach_2_izbq.jpgHội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khai mạc sáng 8/9

Liên quan nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cần bàn kỹ về làm thế nào để chọn đại biểu đủ năng lực vì đây là trung tâm của Quốc hội. Hiến pháp có quy định chung nhưng không có tiêu chuẩn, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội cũng chưa nhấn mạnh tiêu chuẩn thể hiện sự đặc thù.

“Đại biểu Quốc hội phải có trình độ và năng lực nhất định mới đảm bảo chất lượng. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì khó chọn được đại biểu đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Do đó quy định cần cụ thể hóa, theo hướng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của đại biểu, ở đây cần quan tâm phẩm chất năng lực, trình độ”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Lê Nam thì cho rằng nên quy định độ tuổi của đại biểu Quốc hội tối thiểu 25 và tối đa 70 để đảm bảo chất lượng đại biểu trong thực hiện nhiệm vụ đặc thù.

Xác định rõ vị trí pháp lý của đoàn đại biểu

Nhiều ý kiến băn khoăn về vị trí pháp lý của đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Đại biểu Lê Văn Tám cho rằng chính vì không rõ vị trí pháp lý nên trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ với hệ thống chính trị địa phương, với hội đồng còn có vấn đề.

Theo đại biểu Võ Thị Hồng Thoại, việc quy định đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức thuộc Quốc hội thì sinh thêm phức tạp, nhưng Luật cần làm rõ về mối quan hệ với hệ thống chính trị địa phương.

“Cần quy định mối quan hệ phối hợp để làm sao cả nước đều thống nhất xem đoàn có vị trí và trách nhiệm trong mối quan hệ thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội và nhiệm vụ của đại biểu, đoàn đại biểu với địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.

Dẫn thực tế bất cập trong công tác phối hợp giữa đoàn đại biểu với địa phương, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng hiện mỗi nơi có sự phối hợp khác nhau: “Có tình trạng chính quyền địa phương thích thì mời không thích thì thôi. Do đó cần làm rõ vị trí pháp lý đoàn đại biểu”./.