Chiều 25/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận về Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). 

Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về 2 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tiếp đó, với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Dự án Luật này.

Thời gian còn lại của buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).

quoc_hoi_ellt_ujlp_oucx.jpgKỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi). Đây là đạo luật nền về luật dân sự, không chỉ bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ sở trong xây dựng pháp luật liên quan.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này cần tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.   

Nhiều đại biểu đề nghị Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ vì trong Dự án luật có quá nhiều từ pháp lý chuyên ngành khó hiểu. Với những khái niệm, từ ngữ pháp lý đã quá quen thuộc với hành pháp và tư pháp cũng như người dân mà không dẫn tới hiểu sai thì đề nghị giữ nguyên, tránh sự phức tạp hóa không cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) phân tích thực tế, gần 10 năm thi hành Bộ luật dân sự hiện hành, không có ghi nhận nào về những vướng mắc phát sinh.

“Dự thảo đề xuất sử dụng các thuật ngữ mới thay thế cho các khái niệm hiện đang sử dụng rất phổ biến, như giao dịch dân sự thay bằng hành vi pháp lý, hay thay nghĩa vụ và hợp đồng bằng trái quyền, vật quyền. Những khái niệm này có thể đúng về lý thuyết hàn lâm, nhưng nếu thay đổi sẽ tạo ra xáo trộn trong toàn bộ hệ thống pháp luật tư, vốn dựa trên những thuật ngữ quyen thuộc của Bộ luật dân sự hiện hành. Trong khi bản chất các thuật ngữ này không có sự thay đổi về nội hàm và không tạo ra hậu quả pháp lý mới. Nếu không có những vướng mắc trên thực tế, tôi thấy không cần thay đổi” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đa số đại biểu tán thành với 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định trong dự án luật gồm: Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự; Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; Nguyên tắc thiện chí, trung thực; Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; Nguyên tắc hòa giải.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) bổ sung: “Có một nguyên tắc khác của Luật Dân sự cần phải làm rõ. Đó là nguyên tắc bất động sản và những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký, việc chiếm hữu không thể suy đoán là sở hữu”.

Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, Luật vẫn giữ nguyên quy định, người được thi hành án có đơn thi hành án. Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án, Luật quy định cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Về xác minh điều kiện thi hành án, Luật quy định: người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Toà án nhân dân trong thi hành án dân sự, Luật bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân. Luật cũng quy định về thời hạn Tòa án trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự là 90 ngày./.