Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 5, chiều 25/4, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Trước đó, trong phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã xin lùi thời hạn trình dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, chờ hoàn thiện hồ sơ và chờ Chính phủ thẩm định dự thảo đề án trước khi trình Quốc hội.
Luật Dạy nghề được ban hành năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, hoạt động dạy nghề thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế như cơ cấu ngành đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa cân đối; quy mô dạy nghề phát triển chưa đồng bộ với các điều kiện bảo đảm chất lượng; đội ngũ nhà giáo dạy nghề còn thiếu về số lượng…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã chỉ ra 15 vấn đề cần được làm rõ trong dự thảo Luật như chính sách nhà nước đối với phát triển dạy nghề; loại hình cơ sở dạy nghề; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề…
Đại biểu Trần Minh Diệu, đoàn Quảng Bình cho rằng, điểm yếu trong việc dạy nghề thời gian qua là chưa thu hút đối tượng học nghề, việc phân luồng sau trung học cơ sở, đặc biệt là thị trường lao động: “Tỷ lệ phân luồng sau THCS để đi học nghề là rất ít. Trong này, chúng ta có sửa ở điều 65 về chính sách ưu đãi, cử tuyển… cho người học. Quan trọng là người ta học xong không có việc làm. Sinh viên tốt nghiệp tìm đầu ra quan trọng, liên quan đến thị trường lao động và liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội. Nếu không có nhiều công trường, nhà máy thì không có lao động thu hút thì dạy nghề gặp khó khăn”.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm đảm bảo tính bao quát hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả dạy nghề và trung học chuyên nghiệp như quy định trong Hiến pháp năm 2013. Cần có sự liên thông, phối kết hợp giữa Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục và Luật Việc làm cho đảm bảo tính thống nhất.
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng:“Luật điều chỉnh cả giáo dục nghề nghiệp và coi nghề như nghiệp, ở đây chúng ta chưa coi nghề như nghiệp. Ở đây chúng ta chỉ coi giáo sư, phó giáo sư, thạch sỹ là nghiệp. Nghề phải là nghiệp, nghề phải tiếp sống được thì người ta mới cần đến Luật. Tôi cho rằng, Luật này chưa nói được nghề là nghiệp...”.
Nhiều đại biểu cũng nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung về chính sách miễn, giảm học phí cho người học nghề. Đồng thời, đề xuất Bộ Lao động- Thương Binh xã hội là cơ quan quản lý, chủ trì phối hợp Bộ, ngành Trung ương để quản lý nhà nước về dạy nghề.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo Phạm Vũ Luận đã xin lùi thời hạn trình dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông. Hiện Ban soạn thảo đang khẩn trương hoàn thiện những nội dung còn chưa đầy đủ trong Nghị quyết. Nguyên nhân xin lùi thời hạn trình dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông vì lý do chưa chuẩn bị được kinh phí.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “Nội dung về kinh phí, Bộ chưa thể chuẩn bị trình Quốc hội lần này mà chỉ trình chủ trương nên chưa chuẩn bị. Việc làm kinh phí phải theo quy trình, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch- Đầu tư thẩm định, sau đó Chính Phủ phải họp. Trước đó phải lấy ý kiến các cơ quan…
Như vậy, cần có thời gian mới đáp ứng yêu cầu Thường vụ Quốc hội nêu. Sau khi xin phép Thủ tướng Chính phủ đồng ý và Bộ GD-ĐT có văn bản xin rút nội dung thảo luận cảu Ủy ban liên quan đến đổi mới chương trình sách giáo khoa”.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Kết quả hoạt động từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 và dự kiến chương trình họat động đến năm 2014 của Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng./.