Trong tuần làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tập trung cho công tác xây dựng pháp luật; xem xét, đánh giá, thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc và đóng góp nhiều ý kiến cho một số nội dung quan trọng của đất nước. Trong đó đáng chú ý là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Trên cơ sở phân tích thách thức nội tại của nền kinh tế, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển và tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015. Cụ thể là tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...

Liên quan tới các mục tiêu này, trong các phiên thảo luận, mặc dù vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều, song các đại biểu Quốc hội cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP như vậy là hoàn toàn khả thi. Để đạt được các chỉ tiêu này, Nghị quyết của Quốc hội đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển.

Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó Quốc hội chính thức “quyết” tăng lương cơ sở từ 1/5/2016 với mức 5%. Cụ thể, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức sẽ tăng 60.000 đồng, điều chỉnh từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng. Đặc biệt, Chính phủ được quyền phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.

Không khí của tuần làm việc thứ 4 được đánh giá là sôi nổi trong 2 ngày giữa tuần khi Quốc hội tiến hành thảo luận sâu rộng những vấn đề quan trọng nổi bật đang được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Đó là thực trạng quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.

bo_nong_nghiep_wwmg.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (Ảnh: Hoàng Long)

Điểm nổi bật trong tuần làm việc vừa qua của Quốc hội là việc thảo luận về những yếu kém trong công tác quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường

Nhiều đại biểu đã phân tích sâu sắc những vấn đề góc cạnh của cuộc sống, khi đặt thẳng vấn đề: trong một thập kỉ qua, các cơ quan chức năng chỉ thực hiện 8 cuộc thanh tra có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, trong khi các đơn vị được giao khai thác, quản lý, sử dụng diện tích rất lớn nhưng chỉ nộp ngân sách khoảng 1.722 tỷ đồng trong 10 năm. Đây là con số quá ít. Vậy đâu là trách nhiệm của các cơ quan thanh tra và kiểm toán? Khoản thu nộp này cho ngân sách Nhà nước có tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia không? Đặc biệt là có minh bạch không?

Giải trình về vấn đề này, cả Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đều thừa nhận trách nhiệm yếu kém trong quản lý Nhà nước của Bộ mình; khẳng định tiếp thu các ý kiến để tiếp tục phối hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nghị định của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh trong thời gian tới.

Trước thực trạng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ người bị bắt, tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam, điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng hệ thống cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam hiện nay chưa tách bạch nên dẫn đến không ít vụ bức cung, nhục hình xảy ra. Do đó, khi Quốc hội xem xét thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cần xem xét quy định minh oan cho người bị buộc tội chết trong giai đoạn điều tra để phần nào làm nguôi đi đau khổ cho thân nhân.

Một vấn đề quan trọng trong bản dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam là vai trò của luật sư - người đại diện hợp pháp duy nhất của người bị tạm giữ, tạm giam, nhưng hiện nay việc tiếp xúc giữa người bị tạm giữ, tạm giam với luật sư rất hạn chế. Các văn bản dưới luật cũng có quy định về việc gặp gỡ người bào chữa nhưng khi thực hiện lại gặp nhiều khó khăn. Theo lí giải của các cơ quan chức năng, việc hạn chế tiếp xúc là để đảm bảo một số nguyên tắc trong quá trình điều tra, nhưng liệu người bị tạm giữ, tạm giam được đối xử như thế nào trong trại tạm giữ, tạm giam. Và khi đối mặt với những người thi hành công vụ với rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, đối tượng có thực sự đủ tự tin và trình độ để khai đúng? Đây là vấn đề cần phải minh bạch để đảm bảo tránh oan sai và đảm bảo không xảy ra hiện tượng bức cung, nhục hình.

Thực tế giám sát của Quốc hội cho thấy, nhiều vụ án dẫn đến oan sai chủ yếu trong quá trình điều tra gắn với thời gian bị tạm giam. Do đó dự thảo luật cần làm rõ quy định liên quan trách nhiệm của các cơ quan tham gia tố tụng để xử lý triệt để, loại bỏ bức cung, nhục hình, với sự tham gia của luật sư, sự giám sát của người dân...

Trong bối cảnh nước ta đã kí kết một loạt Hiệp định thương mại tư do với các nước trên thế giới và mới đây nhất đã kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, việc sửa đổi những nội dung quan trọng trong Dự thảo luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiếp tục được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự với nhiều ý kiến tâm huyết.  

Qua trao đổi, các đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều về các Luật về thuế để phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta và phù hợp với những cam kết mà Việt Nam đã ký kết; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến những chính sách về thuế, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trong tuần làm việc thứ 4, Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về các Dự án Luật đấu giá tài sản, Luật hàng hải Việt Nam, Luật phí lệ phí, Luật trưng cầu dân ý, Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật tiếp cận thông tin, Luật Báo chí.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2016 với tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 596.882 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán 211.221 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương./.