Tranh luận mới chất lượng

Sáng nay (14/11), thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp của Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TPHCM đánh giá cao dự thảo khá hoàn chỉnh, luật hoá cách điều hành kỳ họp, đồng thời bổ sung quy trình thủ tục biểu quyết mới. Tuy nhiên, ông Lịch bày tỏ còn rất nhiều tâm tư.

Với tư cách là một Đại biểu Quôc hội, ông Lịch cho rằng mỗi lần thông qua một dự án luật, với quy trình như hiện nay thì “không bấm nút không được, bấm nút thì ấm ức”. 

Đại biểu Trần Du Lịch- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TPHCM

Lý do đại biểu Trần Du Lịch đưa ra là do các ĐBQH như ông không được đối thoại trực tiếp với Ban soạn thảo, chỉ được nghe báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghe xong thì đồng ý hay không cũng không được đối thoại lại. 

Ông Lịch thẳng thắn đánh giá rằng, nếu so sánh mức độ tranh luận ở kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 thì kỳ họp này đang có bước thụt lùi về tranh luận. Ở kỳ họp trước, khi cơ sở vật chất còn thiếu, mỗi khi muốn tranh luận thì đại biểu cầm một tấm bảng và phất, ai phất mạnh thì Chủ tịch sẽ gọi. Nhưng giờ bấm nút như thế này thì với một vấn đề quan trọng, khi đại biểu muốn nói cũng không có cách nào.

“Muốn phiên họp có chất lượng thì tranh luận phải đi đến cùng, chứ chúng ta cứ quy định hành chính theo kiểu chỉ được nói một phút, ba phút, rồi cứ nghe Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu mãi thế này thì tôi thấy rất tâm tư”, ông Lịch bày tỏ.

Nhấn mạnh Quốc hội có quá 2/3 là đại biểu kiêm nhiệm trong khi những quy định dường như chỉ dành cho đại biểu chuyên trách, ông Lịch đặt vấn đề: Một vị đại biểu Quốc hội là Chủ tịch một tỉnh, nếu yêu cầu ông ấy có mặt 6 tuần ở kỳ họp Quốc hội này thì công việc ở địa phương sẽ ra sao? Nếu mọi việc ở địa phương đó đều trôi chảy thì chứng tỏ ông Chủ tịch đó là người thừa. Nhưng nếu ông Chủ tịch đó về giải quyết công việc ở địa phương thì lại vướng cơ chế quy định ở Quốc hội.

Một vấn đề nữa, theo ông Trần Du Lịch, cách thức thảo luận ở hội trường Quốc hội mà giống như công chức, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cứ đến đúng giờ đó là nghỉ. 

“Ví như 5h chiều dù còn nhiều ý kiến nhưng đến giờ nên ĐB không được nói nữa. Theo tôi vấn đề chúng ta phải đặt lên trên hết chính là trách nhiệm chứ không phải làm việc kiểu như thế này. Đây chính là lúc để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, chúng ta đầu tư vật chất quá tốt rồi thì đừng nên có những quy định hành chính hoá”, ông Lịch đề nghị.

Khẳng định biểu quyết có hai hình thức là công khai và bỏ phiếu kín, ông Lịch nhấn mạnh khi biểu quyết ấn nút là công khai nên nếu cử tri muốn biết thông tin về việc đại biểu nào đó tham gia biểu quyết như thế nào thì Quốc hội phải công khai thông tin đó.

Liên Hợp Quốc cũng khống chế thời gian phát biểu

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề tranh luận, chất vấn được nêu ra rất nhiều lần và đều có quy định về cách trả lời, nội dung, cách trả lời thế nào. Nội quy chỉ đề cập cách thức tiến hành một số nội dung mà Luật giám sát hoạt động Quốc hội và HĐND chưa quy định.

Liên quan công khai danh tính đại biểu biểu quyết, Phó Chủ tịch nhấn mạnh đây là vấn đề mới. Nghị viện một số nước thực hiện trong điều kiện thể chế chính trị khác nhau. Ở nước ta vẫn có hai hình thức công khai và bỏ phiếu kín.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Trước băn khoăn về giới hạn thời gian trong phiên thảo luận, ông Uông Chu Lưu nói: “Quy định thời gian 7 phút, 3 phút cũng là thực tế được tổng kết qua nhiều kỳ Quốc hội của nước ta. Bây giờ đưa vào để đảm bảo điều hành và quản lý được mặt thời gian. Buổi thảo luận đó dư thời gian thì đại biểu có thể đăng ký lần hai, lần ba. Đoàn chủ toạ luôn đảm bảo và tôn trọng điều đó. Ngay cả ở Liên Hợp Quốc người ta cũng quy định khống chế thời gian 5 hoặc 7 phút”. 

Về ý kiến có cơ chế để gợi ý vấn đề đại biểu có thể tranh luận, theo ông Lưu, đây là nghệ thuật điều hành của chủ toạ và khi đại biểu thảo luận có thể phát biểu đồng thời tranh luận. Điều này cũng không hạn chế gì, chỉ là cách thức tổ chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết sẽ nghiên cứu để thiết kế hệ thống điện tử có cơ chế để biết đại biểu nào muốn tranh luận./.