Bàn về công tác chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn ứng cử viên cần chú ý bảo đảm từng nhân sự cụ thể đều có kinh nghiệm, trình độ, năng lực, tiêu chuẩn đã được pháp luật quy định.

PV: Thưa ông, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như các quy định hiện hành đặt ra vấn đề tăng số lượng Đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số đại biểu khối các cơ quan hành pháp. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, người dân tộc cũng tăng so với trước đây. Vậy theo ông, để đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về cơ cấu liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu không?

Ông Đinh Xuân Thảo:Khi là đại biểu Quốc hội, anh muốn được thể hiện vai trò đại diện cho các thành phần của cơ cấu thì điều đó phải thể hiện ở năng lực. Bởi vì anh không có năng lực, chỉ ngồi họp mà chẳng nói được gì, chẳng phát biểu gì thì rõ ràng không tác dụng gì cả. Thà rằng suất đó để cho người ta lựa chọn đại biểu khác có năng lực, trình độ vào thì họ sẽ đóng góp tốt hơn.

xuan_thao_hinh_klkh.jpg
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Quang Trung

PV:Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, có ý kiến cho rằng cần tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên, tăng đại biểu ngoài Đảng và giảm đại biểu khối hành pháp. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Đinh Xuân Thảo:Đúng là đã có tiền lệ, không nhất thiết các vị Bộ trưởng, trưởng ngành phải là đại biểu Quốc hội. Thế nên, việc bố trí người đứng đầu ngành này, Bộ này trong khóa này thì tham gia mà khóa sau thôi, tôi cho rằng không có gì khó lắm.

Đối với thành phần ngoài Đảng, không có quy định nào hạn chế, phân biệt Đảng viên hay ngoài Đảng. Nhưng có một vấn đề thực tế là ngay quy định những người tiêu biểu, xuất sắc xứng đáng trong các lĩnh vực để làm đại diện thì đều là cán bộ, Đảng viên chủ yếu làm trong các cơ quan công quyền. Do vậy, chúng ta thấy cần phải có đại diện của người ngoài Đảng, có tiếng nói ngoài Đảng.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có những cán bộ có trình độ, năng lực ở ngoài Đảng, ví dụ như đại biểu Dương Trung Quốc – ông là người có trình độ chuyên môn sâu. Vì vậy, rất cần có sự tham gia của những đại biểu ngoài Đảng.

PV:Nhiệm kỳ khóa 13 vừa rồi Quốc hội đã bãi nhiễm 2 đại biểu Quốc hội. Theo ông, quá trình thẩm định tư cách đại biểu cần được thực hiện chặt chẽ như thế nào, nhất là đối với những người tự ứng cử?

Ông Đinh Xuân Thảo:Theo tôi, tất cả những người được giới thiệu ra ứng cử cũng như người tự ứng cử phải được xem xét chặt chẽ, kỹ càng, căn cứ theo quy định của pháp luật, có nghĩa là phải bình đẳng như nhau.  Khi hiệp thương cần phải xem xét kỹ.

Đúng là phải rút kinh nghiệm như chuyện ở khóa 13, một số đại biểu ra ứng cử trong đó có 2 đại biểu bị bãi nhiễm. Trường hợp đại biểu Đặng Hoàng Yến sau này liên quan đến lý lịch, kê khai không chuẩn như báo chí phát hiện. Rõ ràng, cái này thuộc khâu thẩm tra lý lịch rồi tìm hiểu quá trình công tác hoạt động của đại biểu này chưa kỹ. Cái đó chúng ta cần phải rút kinh nghiệm trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới.

PV: Xin cảm ơn ông./.