Sắp xếp sở ngành: Tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật bổ sung Khoản 3a giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (sở, ngành, phòng ban) nhằm đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quyết định giữ ổn định, hợp nhất hoặc thí điểm hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức tinh gọn hợp lý, hạn chế sự cào bằng về số lượng các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang). |
Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc phân cấp cho Chính phủ quy định bộ máy cấp dưới là cần thiết, song không phải chỉ quy định khung số lượng, còn các địa phương tùy ý xác định có cơ quan nào nằm trong bộ máy của UBND cấp tỉnh, huyện. Làm như thế thì mỗi nơi mỗi khác, các vùng trong cùng một địa phương cũng có sự khác nhau, sẽ rất khó khăn, phức tạp trong quản lý ngành dọc.
“Chính phủ quy định nhưng phải rõ ràng, tương đối thống nhất về tổ chức bộ máy của UBND tỉnh, huyện giữa các địa phương. Sự khác nhau có chăng chỉ là một chút do điều kiện đặc thù, vùng miền, đô thị, nông thôn. Sự khác nhau này cũng phải được Chính phủ quy định rõ ràng, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi mỗi cách như vừa qua thí điểm nhập các cơ quan, tổ chức chính trị ở một số địa phương, sau đó Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng, chờ hướng dẫn” - đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương là hợp lý.
Tuy nhiên, khung cơ quan chuyên môn cấp tỉnh do mỗi tỉnh quy định tùy vào thực tiễn của mỗi địa phương sẽ dẫn đến việc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh không thống nhất chung trong cả nước, nơi có cơ quan này, nơi kia lại không có, hoặc 2 cơ quan hợp nhất cũng không thống nhất chung như đã diễn ra thí điểm ở một số tỉnh thành.
“Nên chăng, quy định khung tối đa phải có, còn lại tùy thành phố, tỉnh loại I, II, số lượng cơ quan chuyên môn nhiều hơn nên được tự thành lập mới cơ quan theo thực tiễn địa phương mà địa phương khác không có, trong số khung quy định của Chính phủ” – đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết.
1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh sẽ khó đảm đương công việc
Bàn về quy định giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, cấp huyện giảm còn 1 Phó Chủ tịch là được, song giữ nguyên Phó trưởng ban chuyên trách như hiện nay thì công việc của HĐND sẽ tốt. Như vậy, cả nước sẽ giảm được hơn 700 biên chế chuyên trách HĐND cấp huyện.
Theo ông, riêng cấp tỉnh phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ, Phó Chủ tịch còn nhiều công việc khác, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch sẽ rất khó đảm đương công vụ. "Về biên chế, 63 người không là bao nhiêu trong tổng biên chế chung”- ông Hoà nêu quan điểm.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cũng thống nhất phương án có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Theo bà, việc giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cần phải được cân nhắc thận trọng.
Theo phương án của Chính phủ, giảm cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TPHCM là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao. Trong tờ trình của Chính phủ, giảm Phó Chủ tịch HĐND nhằm đảm bảo đúng Nghị quyết 18 của Trung ương, để có sự đồng bộ về tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo đại biểu đoàn Bình Phước, cách lý giải này là chưa thực sự hợp lý vì phải bảo đảm được 2 mục tiêu song song là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa Luật thường xuyên.
Theo quy định tại điều 82 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong điều hành phiên họp. Nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND, trong trường hợp đột xuất, bất khả kháng xảy ra không thể tham gia phiên họp của HĐND thì không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc.
Hiện khối lượng công việc của HĐND cũng rất lớn, nếu chỉ có Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thì việc trao đổi khó khăn, việc quyết định những vấn đề lớn sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế. Trong thực tiễn, các cơ quan dân cử cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời yêu cầu của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử ngày càng cao.
Do đó, theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, cần giữ số lượng đại biểu chuyên trách như hiện hành là 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác giám sát, chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp./.