Sáng nay (11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014. Bên cạnh những điểm sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo cần phân tích rõ hơn nguyên nhân và giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tồn tại để nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Cần đánh giá năng lực, trách nhiệm cán bộ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng một nội dung quan trọng nhưng nhiều năm báo cáo đề cập còn mỏng là bộ máy hành chính nhà nước, cải cách hành chính.
Theo ông Quyền, Hiến pháp mới ban hành được gần 2 năm, các cơ quan, trong đó có Quốc hội đẩy mạnh và tăng cường làm chính sách nhưng chính sách đó có đi vào cuộc sống, được đổi mới và đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH hay không lại phụ thuộc đội ngũ cán bộ.
“Rất nhiều vấn đề về đội ngũ cán bộ không được đánh giá, mổ xẻ, xem xét. Mấy hôm nay tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp, tôi thấy đáng lo ngại vì trình độ dường như không nâng lên còn đi xuống. Hôm qua tôi chấm phúc tra mới thấy có những cán bộ không nên cho đi thi. Khi thi vấn đáp thì rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ về nội dung quản lý nhà nước, lơ mơ làng màng”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Đề cập câu chuyện nông nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: Tại sao tất cả những vấn đề về cạnh tranh, đầu ra đầu vào cho nông dân đều đã được đặt ra, chúng ta có cả Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà cho đến hôm nay vẫn là câu chuyện dưa hấu? Đó là yếu tố cán bộ, từ người hoạch định chính sách đến cán bộ tổ chức thực hiện chính sách đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm…
“Những tồn tại hôm nay được báo trước rất nhiều năm nhưng vẫn hiện hữu, kéo dài. Chuẩn bị Đại hội Đảng xem xét nhân sự khóa tới rồi thì phải đánh giá nghiêm túc đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặc biệt đội ngũ trong điều hành, quản lý nhà nước xem năng lực đáp ứng đến đâu. Khi bắt được bệnh thì mới có giải pháp nâng cao năng lực, vì nó quyết định sự phát triển kinh tế xã hội trên rất nhiều lĩnh vực. Cần làm nghiêm”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu ý kiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cải cách hành chính từ 2001 đến 2010 cơ bản thất bại, giờ đến cải cách giai đoạn 2011-2020 đã đi được nửa chặng đường nhưng chưa có chuyển biến mang tính đột biến. Đây là điều rất đáng báo động. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần có đánh giá về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hành chính Nhà nước.
Mua ủng hộ dưa hấu, hành tím chỉ là “giải pháp tấm lòng”
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần bổ sung đánh giá đời sống một bộ phận nông dân đang rất khó khăn. Từ đầu năm một số mặt hàng nông sản không đi vào được thị trường, giá thấp, xã hội phải chung tay bán dưa, hành.
“Nhưng đó chỉ là “giải pháp tấm lòng”. Chính phủ nên quan tâm phân tích và có giải pháp mạnh mẽ hơn. Hỗ trợ thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp để cạnh tranh được trên thị trường. Nếu lên để người nông dân thấy sự quan tâm, chia sẻ và quan trọng hơn là có giải pháp”, bà Trương Thị Mai nói.
Đánh giá tình hình KTXH những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, bên cạnh sự khó khăn của nông nghiệp, cũng cần nhìn nhận, đánh giá hạn chế của công nghiệp, dịch vụ.
“Không thay đổi năng suất lao động, không đưa được khoa học công nghệ vào thì dễ rơi vào bẫy trung bình. Thế mạnh về lúa gạo, tiêu, điều, cà phê đang bị ảnh hưởng và các nông sản khác gặp khó khăn. Sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. Nếu cứ như thế này thì không chỉ năm nay mà các năm sau cũng gặp khó khăn. Giải pháp chưa rõ”, ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý đề nghị báo cáo cần phân tích rõ hơn nguyên nhân cả về những điều đạt được cũng như lĩnh vực còn nhiều khó khăn.
“Nông nghiệp rất khó khăn, cứ loanh quanh vẫn dưa hấu, thanh long tồn ứ. Giải pháp vận động mỗi người mua vài quả dưa có đúng không? Giải pháp chiến lược chung của Chính phủ thế nào? Thực chất phải là biện pháp”, ông Phan Trung Lý nói./.