Theo Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, có thể nói cuộc vận động đã có nhiều thành công, đã làm thay đổi được nhận thức của người dân thường cho rằng, hàng ngoại bao giờ cũng tốt, hàng nội không tốt, không còn tâm lý sính ngoại khi chuẩn bị đi mua sắm một mặt hàng nào đó.

Ưu tiên dùng hàng Việt: Không chỉ “nhắm” vào người tiêu dùng

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để cuộc vận động đi vào cuộc sống, thì gốc rễ của vấn đề phụ thuộc vào sự lớn mạnh của nền kinh tế Nhà nước, trình độ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

ong_cuong_mekg.jpgÔng Nguyễn Quốc Cường
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nếu không tuyên truyền tốt sẽ sa đà vào việc chỉ “nhắm” vào một đối tượng là người tiêu dùng. Trong khi thực chất cuộc vận động phải nhằm vào cả 3 đối tượng: nhà sản xuất; người tiêu dùng; vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban ngành đối với phát triển hàng hóa Việt.

“Suy cho cùng, cái gốc vẫn là vì lợi ích, người sản xuất cũng vì lợi ích, người tiêu dùng cũng vì lợi ích và các bộ, ngành đoàn thể cũng vì lợi ích chung của đất nước. Vì thế, để cuộc vận động đạt kết quả, thì trước hết phải nâng được chất lượng hàng hóa trong nước. Vì nếu hàng Việt Nam đắt hơn, chất lượng kém hơn, mẫu mã xấu hơn thì không thể vận động người tiêu dùng bỏ hàng ngoại mua hàng Việt được. Từ đây cũng đặt ra trách nhiệm cho người sản xuất, phải làm thế nào để trong mặt bằng hiện nay, người ta bán hàng, giá cả thế nào để tìm cách vươn lên, ít nhất là bằng thì mới có thể tiêu thụ được”- ông Cường nói.

Dẫn chứng từ thực tế trước đây, khi mua máy gặt, người nông dân không mua máy gặt do Việt Nam sản xuất vì không gặt được lúa đổ. Trong khi máy của Nhật Bản giá cao hơn người ta vẫn mua vì loại máy này gặt được hết các loại lúa. Vì thế, trong từng loại sản phẩm nhà sản xuất phải nghiên cứu kỹ điều kiện của người tiêu dùng, thói quen sở thích của từng khu vực, của địa phương. “Không người Việt Nam nào chịu thiệt thòi trong tiêu dùng chỉ vì lợi ích chung của nền sản xuất trong nước”.

Ông Nguyễn Quốc Cường đề xuất, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ nhà sản xuất quảng bá sản phẩm, cùng với đó mở rộng các kênh phân phối hàng Việt để nhà sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau. “Người tiêu dùng phải biết về hàng Việt thì mới sử dụng được hàng Việt. Không chỉ 'nhắm' đến riêng người tiêu dùng, mà cả với nhà sản xuất, từ đó kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ họ”- ông Cường nói.

Mở rộng các kênh phân phối hàng Việt cho người dân

Tại Hội nghị triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, nhiều đại biểu đề xuất phải chú trọng mở rộng các kênh phân phối hàng Việt, người tiêu dùng phải biết thì mới sử dụng hàng Việt được. Qua những cuộc giải cứu dưa hấu, hành tím vừa qua cho thấy, khi biết đến các sản phẩm, người tiêu dùng trong nước sẽ sử dụng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương nhận định, hiện nay một trong những điểm yếu nhất chính là việc mở rộng các kênh phân phối hàng Việt cho người dân. Người dân cần biết mặt hàng nào tốt, chất lượng đảm bảo họ mới sử dụng hàng nội địa.

“Những cuộc giải cứu dưa hấu của nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng vừa qua cho thấy, khi được biết đến thông tin các sản phẩm thì người tiêu dùng trong nước sẽ sử dụng nhiều hơn”- ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, cùng với việc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, cần tập trung vận động để người dân không dùng hàng lậu, hàng không có nguồn gốc. “Để bảo vệ hàng hóa trong nước, MTTQ Việt Nam nên phối hợp với các tổ chức liên quan vận động người dân phát hiện, tố giác hàng vi làm hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng. Cần xem xét để coi đây là một nhiệm vụ trong chương trình giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động”- ông Hùng đề xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, để cuộc vận động đi vào thực chất, hiệu quả, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung giám sát các kênh phân phối hàng Việt. Để có thước đo cụ thể về chất lượng, tỷ lệ hàng Việt với hàng ngoại, mỗi tỉnh tập trung giám sát các chợ, các trung tâm thương mại.

“Có thể tập trung vào các sản phẩm nông sản Việt để vận động người Việt Nam dùng nông sản sạch, người nông dân sản xuất nông sản sạch qua đó chỉ rõ mặt được, chưa được trong việc lưu thông, phân phối nông sản hiện nay”- ông Lộc đề xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cuộc vận động Trung ương cũng nhấn mạnh việc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng phối hợp triển khai giám sát thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước trong đó ưu tiên giám sát hệ thống phân phối hàng Việt ở các địa phương. “Cần giám sát đánh giá việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam ở thị trường trong nước tại các chợ siêu thị, cửa hàng để  từ đó rút ra kết luận, có kiến nghị cụ thể, đồng thời triển khai chương trình nhận diện, bảo vệ hàng Việt, các hoạt động tôn vinh sản phẩm dịch vụ hàng Việt…”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân. để tiếp tục triển khai cuộc vận động, trước hết cần phải có cách nào đó để nhận dạng được sự vượt trội cũng như sự hạn chế của hàng Việt Nam so với hàng nước ngoài. Phải đánh giá được sự phát triển của hàng nội địa trong tổng số hàng hóa của thị trường trong nước, tỷ lệ hàng hóa hiện nay là bao nhiêu.

“Người tiêu dùng không thể thông minh nếu thiếu thông tin. Tuy nhiên các tiêu chí này đến nay vẫn chưa có. Bên cạnh đó, việc đánh giá tỷ lệ hàng nội hiện chiếm bao nhiêu thị phần trong nước, của từng mặt hàng cũng chưa được thực hiện, do vậy khó có cơ chế phù hợp để phát triển hàng nội. Phải có cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tôn vinh doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam đúng tầm”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động vì đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tới đây hàng hóa được mở cửa tự do, thuế suất nhiều loại hàng hóa bằng 0%, áp lực cạnh tranh của hàng nội địa là rất lớn. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh "khuyến khích hàng Việt nhưng không tẩy chay hàng nước ngoài. Một trong những việc nguy hiểm nhất là chúng ta tạo ra tâm lý “tẩy chay” hàng nước ngoài'.

“Nếu thua trong cuộc cạnh tranh này, Việt Nam mất thị trường ngay trên sân nhà. Cần có cơ chế khuyến khích sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, đây là lĩnh vực còn để trống trong khi nhu cầu của nông dân rất lớn. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm giáo dục trong nước, tuyên truyền tới mọi giáo viên, học sinh để nâng tỷ lệ sử dụng hàng Việt. Đích cuối cùng là nâng cao niềm tự hào hàng Việt”- ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị./.