Có hay không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện là vấn đề nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý tại buổi thảo luận đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 13/6. Qua báo cáo thẩm tra, thảo luận tổ có ý kiến cho rằng, không cần thanh tra cấp huyện vì nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít, qua thống kê cho thấy, hàng năm số lượng thanh tra do thanh tra huyện thực hiện không nhiều, trình độ nghiệp vụ hạn chế, số lượng cán bộ ít, bình quân chỉ có 5,2 người/cơ quan thanh tra.
Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì đưa nhiệm vụ thanh tra cho thanh tra tỉnh làm, có việc thì để ủy ban kiểm tra làm, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo thì để ban tiếp công dân thực hiện... thậm chí còn tính đến việc giảm được 1.426 người giữ chức danh Chánh Thanh tra, Phó chánh Thanh tra, góp phần tiết kiệm ngân sách.
Tuy nhiên, những lí do này không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn Quảng Ninh, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì phải có bộ máy thay thế, khi đó việc giảm biên chế, đầu mối ở cấp huyện lại là chuyện “đánh bùn sang ao”.
“Khi bỏ thanh tra cấp huyện, chuyển nhiệm vụ cho thanh tra tỉnh, nhất thiết phải tăng biên chế, tổ chức phòng nghiệp vụ cho thanh tra tỉnh. Vì vậy vấn đề giảm biên chế ở cấp huyện so với tăng ở cấp tỉnh hiệu quả ra sao? Hàng loạt vấn đề phải tính đến kèm theo như chi phí đi lại, sử dụng đội ngũ công chức thanh tra hiện hữu ở cấp huyện như thế nào, mối quan hệ giữa thanh tra tỉnh với UB kiểm tra huyện trong xử lý cán bộ cấp huyện là đảng viên như thế nào? Những vấn đề này chưa được thấy đề cập đầy đủ trong báo cáo”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đặt vấn đề.
Nhiều đại biểu cho rằng cần giữ nguyên mô hình tổ chức thanh tra như hiện nay. Tuy nhiên, cần tăng thẩm quyền của cơ quan thanh tra và đảm bảo tính độc lập tương đối của hoạt động thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo, để đảm bảo khách quan, vô tư, không phụ thuộc vào đối tượng thanh tra, không bị chi phối bởi nhóm lợi ích. Cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ xem xét giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra phòng chống tham nhũng, trong đó thanh tra nhà nước có vai trò chủ yếu và quan trọng.
“Về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung các quy định trong pháp luật phòng chống tham nhũng, về trách nhiệm giải trình đối với người thân trong gia đình hoặc người có liên quan khi có cơ sở nghi ngờ những người này giúp đối tượng bị thanh tra tẩu tán che dấu tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật. Với tài sản tăng thêm họ không giải trình được hợp lý thì cơ quan chức năng được quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án dân sự có thẩm quyền để có phán quyết về nguồn gốc của tài sản”, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn TP.HCM đề nghị.
Còn theo đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng của hoạt động thanh tra là doanh nghiệp. “Điều này tôi chưa thấy có trong dự thảo Luật Thanh tra đang trình Quốc hội”, đại biểu Hiếu nói.
Đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn, nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, rủi ro trùng lắp, chồng chéo lớn, nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các nguyên tắc thừa nhận kết quả thanh tra của nhau... Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra.
Bên cạnh đó, thanh tra để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật, chứ không phải vì mục tiêu bắt sai phạm, nên cần theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị thực hiện nguyên tắc áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp quy định pháp luật thiếu rõ ràng, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau”, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.
Song, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là quan điểm cá nhân của ông. Nếu áp dụng theo nguyên tắc này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có động lực hoàn thiện các quy định, đảm bảo minh bạch và công khai trong thực thi. Phải nói là cách hiểu khác nhau chứ không hiểu theo cách vi phạm các quy định của luật.
Để đảm bảo giảm gánh nặng thanh tra cho doanh nghiệp, ông Hiếu cũng đề nghị xác định rõ quan hệ giữa quy định của luật này với quy định về thanh tra chuyên ngành trong các văn bản luật khác, đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc chung.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM đặt câu hỏi tại sao trong các lĩnh vực có nhiều vi phạm, nhưng kết quả báo cáo thanh tra tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Theo bà, đó là vì cách thanh tra theo kế hoạch, thanh tra báo trước để doanh nghiệp đón tiếp đoàn thanh tra.
“Tôi luôn nói với đội ngũ thanh tra của chúng tôi khi thanh tra phải bất ngờ, phát hiện các sai phạm. Khi thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước thì người ta sẽ đối phó bằng cách chuẩn bị vở sạch chữ đẹp để đón tiếp đoàn thanh tra. Trong phát hiện sai phạm cần dựa vào thông tin của quần chúng và báo chí. Khi làm phải bất ngờ thì mới biết được thực tế như thế nào”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Cũng theo vị đại biểu này, hiện nay, đội ngũ thanh tra thường tập trung vào vấn đề tiền kiểm, làm sao để thẩm định cấp một giấy phép cho tốt, nhưng sau đó trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, lực lượng thanh tra lại không đủ lực lượng để tiến hành.
Vì vậy, nếu chỉ trông cậy vào hoạt động thanh tra theo kế hoạch sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu sợ có tiêu cực trong thanh tra thì cần có cơ chế giám sát, luân chuyển cán bộ và có các biện pháp răn đe.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính dựa trên nguyên tắc ở đâu ở có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra; trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm phòng ngừa, xử lý vi phạm từ sớm từ xa, nhất là đối với thanh tra cấp huyện.
Về quy định mới, đó là thành lập thanh tra Cục, Tổng cục trực thuộc Bộ, nhất là những Tổng cục lớn như: Tổng cục Thuế, Hải Quan, Đất đai, Thủy Lợi, Đường bộ… Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, không phải Cục, Tổng cục nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra. Tới đây, sẽ nghiên cứu bổ sung quy định, tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra, tránh lạm dụng để đảm bảo tính thống nhất khả thi, tinh gọn, tránh chồng chéo với thanh tra Bộ và góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực./.