Trả lời phỏng vấn của VOV.VN, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phú Yên cho rằng, phải loại được người yếu ra bộ máy Nhà nước thì mới có vị cho người có năng lực. Hơn nữa, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị cũng phải thể hiện được trách nhiệm, khả năng của mình trong quản lý, điều hành để người tài không nản lòng mà ra đi.

PV: Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng số lượng cấp phó sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Tôi cho rằng khi chưa có luật cụ thể thì tuỳ vào tình hình và hoàn cảnh cụ thể mà số lượng cấp phó được sắp xếp bố trí nhiều hơn.

Nhưng khi luật có hiệu lực thì mọi vấn đề, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng đều phải thực hiện đúng luật, nếu không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước pháp luật.

nguyen_thai_hoc_inae.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phú Yên

PV:Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Thực tế chủ trương giảm biên chế đã có nhưng bộ máy vẫn “phình” ra. Theo ông cần có biện pháp mạnh mẽ như thế nào để bộ máy tinh gọn hơn?

Đại biểu Nguyễn Thái Học:Bộ máy cồng kềnh và tinh giản biên chế chúng ta nói nhiều rồi chứ không phải bây giờ mới đặt vấn đề, nhưng khâu tổ chức thực hiện không nghiêm.

Phó Thủ tướng đề cập một cách công khai trước Quốc hội thì tôi cho rằng Chính phủ sẽ có chỉ đạo quyết liệt và tinh thần phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình tổ chức bộ máy cũng như vấn đề tinh giản biên chế.

Vấn đề là tổ chức nghiêm và thực hiện đúng quy định thì mới tinh giản bộ máy và tinh gọn đội ngũ cán bộ.

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng báo cáo như thế thì Quốc hội sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện của Chính phủ và tôi tin rằng sẽ có chuyển biến, đổi mới cho một nhiệm kỳ sắp tới.

PV: Lâu nay vẫn giao chỉ tiêu giảm biên chế nhưng vẫn cho rằng chỉ tiêu khi chia tách địa giới hành chính, lập cơ quan, đơn vị mới. Phải chăng do chưa có sự thống nhất nên bộ máy vẫn “phình” ra?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Nghị quyết của Đảng đặt vấn đề tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy để bộ máy thật sự tinh gọn, đội ngũ công chức, viên chức thực sự tinh thông và không được tăng biên chế, chỉ có giảm, trừ trường hợp giao thêm nhiệm vụ mới hoặc thành lập đơn vị mới.

Nghị quyết rõ ràng như thế nhưng khi tổ chức triển khai thực hiện thì chúng ta phải xem xét cho cụ thể. Thành lập mới không thể không giao biên chế, việc đó đã rõ. Nhưng không được lợi dụng việc đó để rồi xây dựng bộ máy cồng kềnh, đề nghị tăng thêm người.

Vấn đề là từ chủ trương của Đảng, Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ thì từng cơ quan, địa phương, đơn vị phải có trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ và trước cấp trên về việc tinh giản bộ máy.

Vấn đề quan trọng là việc tinh giản bộ máy phải sắp xếp được đội ngũ cho tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên thực tế có nhiều đơn vị bộ máy không giảm nhưng nhiệm vụ cũng không đáp ứng được yêu cầu, không hoàn thành thì điều này phải xem xét trách nhiệm

PV: Chúng ta lấy mục tiêu tinh giản biên chế nhưng cũng tránh “chảy máu chất xám” ra khỏi cơ quan Nhà nước, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Thái Học:Có một thực tế nhiều cơ quan bộ máy, đội ngũ cán bộ thì nhiều nhưng chất lượng không tốt. Nhiều người khả năng, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn cứ ở lại bộ máy đó, trong khi người ở ngoài có năng lực thực sự, được đào tạo cơ bản, muốn vào nhưng vị trí không có.

Hiện thực tế nhiều anh em trẻ được đào tạo cơ bản, rất là tốt nhưng người ta thấy nản lòng vì không vào được bộ máy Nhà nước để phát huy khả năng, năng lực sở trường của mình để phục vụ tốt hơn cho công việc của Nhà nước.

Do đó, hàng năm phải đánh giá cán bộ một cách thực chất và cương quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu thì lúc đó mới có chỗ cho người có khả năng, năng lực thực sự.

PV: Nhưng thực tế có người giỏi vào bộ máy Nhà nước rồi lại muốn ra đi?

Đại biểu Nguyễn Thái Học:Có người khi vào được rồi, với tình trạng cán bộ không có khả năng năng lực có vị trí, nhất là vị trí lãnh đạo quản lý họ, điều hành theo một cách cũ không phù hợp với phong cách, tác phong làm việc năng động, sáng tạo thì người ta lại nản. Đây là vấn đề phải quan tâm suy nghĩ để có cách khắc phục.

PV: Điều này cho thấy việc tinh giản biên chế và tuyển dụng người tài rất cần vai trò và trách người đứng đầu, phải không thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Thái Học:Vấn đề là xác định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. Trên thực tế có nhiều người đứng đầu muốn thay một công chức, một cán bộ không phải là chuyện dễ.

Vậy cái quyền của người đứng đầu phải được xác định như thế nào? Quyền thay người, quyền kỷ luật và đi đôi với đó là nghĩa vụ. Nếu với trách nhiệm của người đứng đầu như thế mà anh để trong bộ máy của anh những cán bộ khả năng, năng lực không có, phẩm chất đạo đức yếu thì trách nhiệm của anh phải được xem xét.

PV: Xin cảm ơn ông./.