Sáng 9/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai của đợt họp tập trung, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đề cập việc một vị lãnh đạo ngành y tế bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý khiến cũng khiến đại biểu hết sức đau lòng. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội (đoàn Bình Định), lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi “khó vô cùng”.
Theo Giám đốc Đại học Y Hà Nội, một giám đốc rất cần chuyên môn nhưng không chắc họ đã nắm vững về quản lý hay các quy định quản lý lắt léo hiện nay. Vì vậy, theo ông, rất cần cơ chế rõ ràng về việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tốt nhất là tách rời chuyên môn.
“Vừa qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định đặc biệt khi bổ nhiệm tôi làm giám đốc Bệnh viện hồi sức điều trị COVID-19 đồng thời bổ nhiệm một vị giám đốc khác điều hành, lo về trang thiết bị, vật tư. Với mô hình mới này, bệnh viện vẫn hoạt động trơn tru, hiệu quả, cho dù thành lập trong hoàn cảnh cấp bách. Đây là ví dụ cho thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt nếu không muốn nhận hậu quả to lớn hơn”- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu hy vọng rằng, những gì cán bộ nhân viên y tế đã thực hiện trong thời gian qua, nếu được bảo đảm thu nhập, yên tâm công tác thì ngành y sẽ không thua kém bất cứ ngành y nào trong khu vực.
“Không có gì đau xót hơn khi nhiều bác sĩ vướng vào vòng lao lý” cũng là chia sẻ của Đại biểu Nguyễn Công Long (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai).
Trước việc không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Công Long khẳng định, hai năm qua, đất nước đã trải qua thử thách chưa từng có, hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hy sinh, gian khổ, xông pha vào tuyến đầu chống dịch để điều trị, chăm sóc cho đồng bào bị nhiễm COVID-19. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu chia sẻ không có ý bào chữa cho ai bởi dù họ là thầy thuốc, mọi vi phạm đều phải chịu trách nhiệm, đều được xử lý nghiêm minh. Trong xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý như người thầy lại vi phạm pháp luật thì đó là hiện tượng rất đáng lo ngại về cả góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị đất nước.
Theo ông, qua các vụ án mà người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là cán bộ y tế, cùng với việc xem xét yếu tố chủ quan của từng cá nhân vi phạm, cần làm rõ có nguyên nhân, điều kiện nào khác hay không.
“Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp” - ông Long nói.
Điểm lại các vụ án vừa qua, ông Long cho biết số các vụ án mà cán bộ y tế bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở các tội phạm về chức vụ mà còn là tội phạm về kinh tế, như vi phạm các quy định về đấu thầu, vi phạm các quy định về kế toán.
“Có lẽ, khi thông qua Bộ luật hình sự 2015, các nhà làm luật cũng không thể hình dung được tội phạm về kinh tế có thể chuyển hoá như vậy. Chủ thể tội phạm về kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà còn là các cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Những vi phạm của các bác sĩ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có những nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật và việc quản lý, điều hành nền kinh tế hay không?” - ông Long đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nghề y là nghề đặc biệt, bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu kiến thức y khoa. Năng lực chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh nhằm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Một bác sĩ được cất nhắc làm quản lý bệnh viện phải hội tụ nhiều yếu tố, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn.
Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, nội vụ, cơ sở vật chất... Tức là, Giám đốc Bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ cho những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế...
“Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sĩ có kỹ năng đặc biệt, trình độ đặc biệt mới đảm đương toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ” - đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình y tế một số nước, cho thấy trong cơ sở y tế, các bác sĩ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong việc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh. Còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng chuyên trách khác đảm nhiệm.
Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?
Vì vậy, theo ông Long, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công. Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế và cũng để “chúng ta không phải thấy cảnh một bác sĩ phải vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng lẽ bác sĩ không phải làm hoặc không được làm”.
Trước đó, chiều 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội). Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng vừa bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến đường dây buôn bán thuốc giả. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Từ ngày 2-4/11/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ tám dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.
Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, một số cá nhân và cấp ủy, tổ chức đảng liên quan; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật nhiều cá nhân.
Trong đó, khiển trách các cán bộ Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thế Thịnh, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Vũ Tuấn Cường, Đảng ủy viên Bộ Y tế, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý Dược; Nguyễn Trí Dũng, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia.
UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế./.