Theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII qua phát thanh, truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri tại Hà Nội đánh giá cao và đồng tình với báo cáo về "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016" do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. 

Cử tri cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá toàn diện về bức tranh kinh tế – xã hội nước ta thời gian qua, cũng như đưa ra được những định hướng phù hợp trong thời gian tới. 

bao_cao_thu_tuong_enuh.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: VGP)

Theo cử tri Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức, Hà Nội, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá đúng những mặt mạnh, mặt yếu của nền kinh tế nước ta giai đoạn 5 năm qua và năm 2015, trong đó thắng lợi lớn nhất là kìm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, những thành công trong kinh tế đối ngoại, tạo nền tảng cho sự phát triển những năm tiếp theo.

Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết về kinh tế – xã hội như trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, năng suất lao động…

Cử tri Nguyễn Thế Điệp đồng tình với kiến nghị của Chính phủ về chỉ tiêu GDP năm 2016 tăng 6,7%: “Theo tôi, chỉ tiêu 2016 Chính phủ đưa ra 6,7% là đánh giá đúng, bởi vì hiện nay kinh tế vĩ mô đã phát triển ổn định, đặc biệt một số ngành nghề công nghiệp đang phát triển rất mạnh, bất động sản cũng đã tăng trưởng, hệ thống ngân hàng cũng đang được củng cố rất tốt, đồng thời tất cả các chính sách vĩ mô đã bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống. Kế hoạch của năm 2016 tăng 6,7% là trong tầm tay”.

Cử tri Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ đã đề ra được những nhiệm vụ phù hợp và có tính khả thi cao, có nhiều điểm nhấn mang tính đột phá trong giai đoạn tiếp theo, trước mắt là năm 2016. Tuy nhiên, cử tri Nguyễn Minh Phong mong muốn, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bàn thảo và đưa ra được những quyết sách nhằm xử lý tốt hơn tình trạng nợ xấu.

“Cần có sự tập trung xử lý tốt hơn vẫn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt những tập đoàn lớn cũng như xử lý những định hướng phát triển và mô hình quản trị của khu vực này. Thứ hai là sức ép của nợ công, rõ ràng đã đến lúc cũng như đòi hỏi cần nhiều hơn nữa những giải pháp quyết liệt để kiểm soát nợ công dưới mức an toàn cho phép, cũng như xử lý tốt hơn nợ xấu để không trở thành tái nợ”, ông Phong nói.

Tuy nhiên, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn, mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, nhưng chưa khắc phục được những bất cập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm như năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đáng lo ngại, đổi mới giáo dục còn nhiều lúng túng, quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế vẫn gây bức xúc dư luận...

Cử tri Trần Đình Trù, quận Hai Bà Trưng đề nghị, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ làm việc hết trách nhiệm, thảo luận vào đúng, trúng những vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm, nhất là khắc phục những hạn chế trong giáo dục hiện nay.

“Lĩnh vực giáo dục của nước ta còn nhiều vấn đề, thi cử, trường lớp, học phí… đều đụng chạm đến đời sống của nhân dân, học sinh. Mọi năm học sinh rất hồ hởi thi vào đại học, nhưng năm nay có vẻ không như vậy, thậm chí nhiều trường đến nay chiêu sinh vẫn chưa đủ, đấy là vấn đề cần phải chú ý. Tất nhiên Nhà nước cũng đã quan tâm kết hợp với nước ngoài như Anh, Mỹ để đầu tư xây dựng trường lớp ở Việt Nam, tuy nhiên trong thời gian tới cũng như trước mắt vẫn cần phải đổi mới giáo dục và cố gắng hơn nữa”, cử tri Trần Đình Trù đề nghị./.