Càng gần tới ngày bầu cử, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân càng có phần phức tạp. Tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội, bên cạnh việc đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm giữ ổn định xã hội, cơ quan này còn tích cực tuyên truyền để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ |
PV: Thưa ông, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương trong những tháng gần đây có điểm gì đáng chú ý, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Quý I năm 2016, Ban tiếp công dân Trung ương đã tiếp trên 5.900 lượt công dân, trình bày 1.560 vụ việc, trong đó có 175 lượt đoàn đông người. Có thể thấy so với năm 2015, số vụ việc có giảm, tuy nhiên số đoàn đông người tăng. Tính riêng tháng 4/2016 trụ sở đã tiếp hơn 2.600 lượt công dân, tăng 52%. Có 75 lượt đoàn đông người tăng 34% so với tháng 3/2016.
Tâm lý của rất nhiều người dân muốn việc khiếu nại của mình được quan tâm. Nhiều trường hợp do kẻ xấu xúi giục, kích động lên Trung ương. Việc tăng số lượt công dân và số đoàn đông người đến trụ sở tiếp công dân đúng như tình hình đã được dự đoán trước. Nhưng đây cũng là dịp để các cấp chính quyền nhìn nhận lại công tác của mình trong nhiệm kỳ qua, công tác giải quyết khiếu nại tới đây sẽ như nào để có phương hướng.
Bên cạnh đó, giúp chính quyền địa phương, ứng cử viên Hội đồng nhân dân, ứng cử viên Quốc hội xem xét, đề ra chương trình hành động riêng cho mình, gắn chương trình hành động với người dân, đặt người dân là mục tiêu.
Trên đà đấy, chúng tôi tiếp tục triển khai kế hoạch nhằm phục vụ tốt cho ngày Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội. Không chỉ tiếp công dân tại trụ sở mà còn tiếp công dân ngay tại địa phương, đối thoại với những đoàn đông người vềncác vụ việc bức xúc; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trực tiếp xuống địa phương để tiếp công dân.
Tại những nơi như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lập trưởng đoàn kiểm tra, lập các đoàn làm việc với địa phương kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ cho công tác Bầu cử, cả công tác chuẩn bị cho bầu cử địa phương.
PV: Hầu hết những vụ việc khiếu kiện tại trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương là những vụ việc phức tạp kéo dài, nên không ít công dân ở lại trụ sở để chờ kết quả giải quyết. Làm thế nào để vừa đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, mặt khác quyền bầu cử của người dân vẫn được thực hiện, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Người dân đến đây khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử, nhân sự của Hội đồng nhân dân, thì chúng tôi sẽ thực hiện theo Luật Bầu cử để hướng dẫn người dân theo quy định; chuyển nội dung khiếu nại, tố cáo theo Hội đồng Bầu cử đúng với quy định của Luật.
Mặt khác tuyên truyền cho người dân để họ thực hiện quyền của công dân, nơi mà họ là cử tri. Nếu tại thời điểm diễn ra bầu cử, công dân không kịp về, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng có thùng phiếu di động để công dân thực hiện được quyền của mình.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn công dân về địa phương để được hướng dẫn, được thông tin để thực hiện quyền bầu cử cho đúng, đảm bảo quyền lợi.
PV: Vừa qua Ban tiếp công dân Trung ương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức chương trình luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại trụ sở. Ông có thể cho biết tính thiết thực từ chương trình này?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trợ giúp pháp lý là hoạt động rất tốt, chúng tôi thí điểm khi bắt đầu là 100 luật sư. Đến bây giờ là 4 đợt diễn ra trong suốt năm 2016 tại hai trụ sở Trung ương ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bước đầu đã giảm tải được sức ép của người dân. Thứ hai là gắn trách nhiệm của luật sư với xã hội và nhà nước. Có sự tham gia của luật sư tư vấn miễn phí cũng thể hiện được sự khách quan hơn. Qua việc tư vấn, luật sư cũng tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công dân, có những luật sư đăng ký nhiều lần. Đấy là thành công.
Không chỉ tư vấn cho công dân mà còn tư vấn cho cả cán bộ tiếp dân, nhiều trường hợp chúng tôi làm văn bản gửi về địa phương, trong khi trách nhiệm của chúng tôi là chỉ hướng dẫn. Thậm chí có những vụ việc luật sư tiếp, chúng tôi phải báo cáo Tổng Thanh tra cho kiểm tra, rà soát, hoặc theo quy chế của Thanh tra Chính phủ thực hiện rà soát lại.
Qua đây, tôi muốn đề nghị đến đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ quan Trung ương, cơ quan hành chính nhà nước, theo Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, nếu ở nơi gửi đơn có một địa chỉ là cơ quan giải quyết thì không chuyển đơn nữa để không gây khó khăn cho cán bộ tiếp công dân, gây quá tải cho Ban tiếp công dân Trung ương, gây quá tải luôn cho cả người dân khi phải chuyển quá nhiều cơ quan.
Mong rằng, khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, các đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ để giải quyết cho đúng, tránh gây bức xúc cho người dân, khó khăn cho cơ quan nhà nước, trong đó có cả Ban tiếp công dân Trung ương.
PV: Xin cảm ơn ông./.