Nhân dịp Kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, hôm nay (26/7), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dâng hương, hoa tại Đền Tưởng niệm Bến Dược, Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Củ Chi; thăm và tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công tại huyện Củ Chi, TP HCM.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp và trò chuyện cùng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kịch. Dường như ký ức về những đứa con của mẹ vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày nào. Mẹ kể, người con lớn của mẹ đi bộ đội. Một ngày người anh đó đã về rủ cậu em của mình đi đánh giặc. Rồi từ đó, cả hai người con của mẹ không về nữa.

chu_tich_quoc_hoi_vov_1__dklj.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh kỉ niệm cùng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kịch.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kịch luôn nhắc về những đứa con yêu quý, những ký ức đẹp đẽ nhất về những người con đã hy sinh cho Tổ quốc.

Thăm và tặng quà thương binh Trần Vậy, thương binh 2/4 ở xã Tân Thạch Tây, huyện Củ Chi, có mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng, bố là liệt sỹ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, năm nay Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ trọng để tỏ lòng biết ơn đến những thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và tặng quà thương binh Trần Vậy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: "Đảng và Nhà nước thể hiện lòng tri ân sâu sắc với những đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với đất nước đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của đất nước".

Thương binh Trần Vậy bày tỏ phấn khởi khi được Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo thành phố, huyện đến thăm. Gia đình rất cảm động và phấn đấu xứng danh những người con được sinh ra và lớn lên trên đất Củ Chi đất thép, thành đồng.

Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đến dâng hương, hoa tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Củ Chi.
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội đã đến dâng hương, hoa tại Đền Tưởng niệm Bến Dược; Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Củ Chi; thăm và tặng quà bà Khâu Thị Rồi, vợ liệt sỹ, ở Đường Lê Minh Nhựt, ấp Trung, xã Tân Thông Hội.

Tối nay, Chủ tịch Quốc hội dự chương trình "Dáng đứng Việt Nam" tại huyện Củ Chi, TP HCM. Chương trình truyền hình trực tiếp tại 4 địa điểm: Hà Nội; Thái Nguyên, nơi cách đây 70 năm Bác Hồ đã viết thư kêu gọi chăm sóc gia đình thương binh liệt sỹ; thành cổ Quảng Trị và địa đạo ở Củ Chi.

Địa đạo Củ Chi cách TP HCM 70 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, là một công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, có nơi ăn ở, họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km.

Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng.

Chủ tịch Quốc hội thắp hương cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Củ Chi.
Tại Củ Chi đã có gần 11.000 liệt sĩ, trên 3.000 thương binh, bệnh binh, trên 10.000 gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng và hàng ngàn người dân phải hứng chịu bao nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Chính từ những cống hiến, hy sinh to lớn đó, Củ Chi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng”../.