Liên quan đến nội dung này, tại phiên họp của Quốc hội trước đó, theo tờ trình dự án luật do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng, cơ quan soạn thảo sửa đề nghị đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không đồng ý với đề xuất của cơ quan soạn thảo vì cho rằng, quy định như vậy là mở rộng hơn so với yêu cầu của hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP).

Tại phiên thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng có 2 luồng quan điểm như của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Phát biểu tại cuộc làm việc vào chiều 29/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, do còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này, về nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, hai cơ quan trình dự án luật và cơ quan thẩm tra cần phải đưa ra những lập luật để thống nhất quan điểm.

"Cho đến nay, đề nghị Viện kiểm sát là cơ quan trình, Ủy ban Tư pháp là cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với nhiều cơ quan của Quốc hội cho ý kiến? Sau khi lắng nghe nhau, nếu hai bên thống nhất được 1 phương án để báo cáo với Quốc hội là tốt nhất. Trong trường hợp không thống nhất được, vẫn phải đưa ra xin ý kiến Quốc hội, kèm theo tất cả các lập luận, phương án", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận cặn kẽ của Viện kiểm sát tối cao, Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện nghiên cứu lập pháp, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tư pháp, cùng các chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý là cần thiết, phù hợp với hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) và chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, bảo vệ lợi ích quốc gia, người tiêu dùng và cộng đồng.

"Việc sửa đổi này có tác động rất tốt cho việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Hai vấn đề này mới cần đến Luật xử phạt hành chính và khởi tố hình sự. Nếu chỉ là yêu cầu của người bị hại, luật dân sự cũng có thể xử lý được. Các sản phẩm OCOP là thiên đường của sự sáng tạo. Mới chỉ có hơn 2 năm, riêng Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP trên tổng số cả nước là 4.000 sản phẩm", Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình  Huệ cho biết, sau cuộc họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội quyết định phương án đối với quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan và các đại biểu Quốc hội sẽ là người quyết định cuối cùng./.