Hôm nay (7/6), Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về Báo cáo về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành, tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012. Phiên họp này được Đài TNVN tường thuật trực tiếp tới đông đảo cử tri.
Hầu hết các đại biểu Quốc hội khẳng định, phát hành vốn trái phiếu chính phủ là chủ trương đúng đắn, nhưng sự lãng phí vẫn diễn ra phổ biến. Điều đáng nói là qua giám sát, vẫn chưa chỉ rõ những đơn vị, cá nhân gây ra thất thoát, lãng phí nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Báo cáo về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 được đưa ra rất đúng thời điểm. Báo cáo cũng cho thấy, thời gian qua nền kinh tế nước ta chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, mà chưa có sự đổi mới sâu rộng về mô hình tăng trưởng để phát triển theo chiều sâu.
(nganhangonline.com) |
Ông Nguyễn Đức Kiên nói: “Qua báo cáo giám sát lần này, thấy rằng việc quyết định tổng mức đầu tư và phê duyệt dự án do chính quyền địa phương phê duyệt và việc lo vốn ở trên do chính phủ phân cấp vì nằm trong trái phiếu và Quốc hội chịu áp lực cân đối giữa bội chi ngân sách với chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng. Và vô hình chung chúng ta đã tách phần trách nhiệm của người sử dụng vốn với người đi lo vốn. Vậy việc tổ chức bộ máy theo hiến pháp 1992 so với nền kinh tế hiện nay có bất cập.”
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng quy hoạch nguồn vốn Chính phủ chưa hợp lý nên hiệu quả đem lại của nguồn vốn không cao: “Hiện nay hiệu quả của chúng ta chưa cao đấy là lãng phí lớn nhất trong sử dụng nguồn vốn. Và hiện nay chúng ta có rất nhiều, rất nhiều các công trình đang dở dang, do phân bổ nguồn vốn không hợp lý dẫn đến là không đủ nguồn vốn. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều muốn có các công trình, nhưng lúc khi mình đưa ra để xin kế hoạch thì quy hoạch của tỉnh, của các thành phố không đi đôi với kế hoạch thực hiện. Dẫn đến rất nhiều công trình dở dang. Tôi cho rằng chúng ta đưa ra một quy hoạch nguồn vốn chưa hợp lý và thiếu sự kiểm soát. Dẫn đến tình trạng như hiện nay là sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ không cao.”
Chủ trương đúng nhưng cần có cách làm phù hợp, trong đó cần thay đổi cách phân bổ vốn như hiện nay. Lâu nay chính quyền địa phương trình các dự án đầu tư từ trái phiếu chính phủ, còn nguồn vốn lại do Trung ương quyết định. Cách quản lý và phân bổ nguồn vốn trái phiếu như vậy dễ tạo ra cơ chế xin-cho. Điều này cũng dẫn tới sự mất công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, khiến nguồn vốn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nhiều công trình bị tạm hoãn, thi công dở dang.
Nhiều đại biểu băn khoăn, lo lắng làm sao chọn công trình, dự án thật sự cấp bách để phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công. Đại biểu Nguyễn Thị Khá đoàn Trà Vinh nêu ví dụ có những bệnh viện xây xong tòa nhà trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng lại bỏ hoang vì không có tiền mua sắm trang thiết bị nên không thể hoạt động. Đây là sự lãng phí “vô tội vạ” và cần quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị gây ra.
“Trách nhiệm của người gây lãng phí, luật quy định nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên cuối cùng không quy được trách nhiệm,” bà Khá nói. “Có khi luật đủ nhưng triển khai thực hiện các cấp chính quyền chậm chạp dẫn tới khó thực hiện và ko thực hiện. Hậu quả lớn là tiền vay từ tổ chức, cá nhân mà nhà nước phải trả nhưng đồng tiền đưa ra mà không được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.”
Bên cạnh chỉ rõ trách nhiệm của người gây ra thất thoát, lãng phí, đại biểu Trương Văn Vở, đoàn Đồng Nai kiến nghị cần đảm bảo công khai minh bạch khi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
“Phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quyết định cái đầu tư mà gây ra lãng phí phải rõ, phải gắn với chế tài cho rõ,” đại biểu Vở nói. “Chủ yếu là như thế thì sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay gây lãng phí. Quang trọng là sử lý trách nhiệm, xử lý biện pháp chế tài xử lý trách nhiệm của tổ chức cá nhân, kể cả ban hành chính sách, kể cả ban hành quyết định đầu tư gây ra lãng phí.”
Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, chủ trương huy động trái phiếu chính phủ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề đăt ra là phải giám sát chặt chẽ cách sử dụng nguồn vốn và giám sát chất lượng các công trình.
Ông Lịch phát biểu: “Những địa phương, ngành sử dụng không hiệu quả, không đúng mục tiêu hoặc dàn trải cần có địa chỉ rõ ràng, và có biện pháp xử lý chứ không thể nói khái quát chung. Thứ hai là muốn khắc phục thì hiện phân bố vốn đến 2015 thì điều chỉnh như thế nào. Những nơi có sai phạm thì có biện pháp và điều chỉnh như thế nào để nâng cao hiệu quả, phải giám sát chặt chẽ chất lượng công trình.”
Để nguốn vốn trái phiếu Chính phủ phát huy hiệu quả cao, tránh thất thoát lãng phí, đại biểu Lê Đình Khanh, đoàn Hải Dương đề nghị cần có kế hoạch phân bổ ngân sách phù hợp và nên xem xét đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách Nhà nước để việc quản lý, sử dụng được chặt chẽ, có cơ sở pháp lý vững chắc và phản ánh đúng bản chất của nguồn vốn này.
Đại biểu Lê Đình Khanh nói: : “Tôi cho rằng, chúng ta có kế hoạch trung hạn, và cần tiếp tục rà soát, phải đưa vào cân đối ngân sách. Hiện nay, nếu đưa vào thì có gì không đúng với luật về ngân sách nhưng chúng ta vẫn có thể ban hành nghị quyết của Quốc hội để đưa vào cân đối ngân sách để tránh tình trạng xin cho như hiện nay. Có dự án vốn 100 tỷ nhưng sau đó lên đến gấp 6 lần và nhiều nơi đề xuất tăng quy mô dự án. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm.”
Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đem lại, giúp huy động nguồn vốn lớn đề đầu tư cho các công trình lớn, cấp bách phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng trái phiếu ở một số nơi không đúng mục đích, với cách quản lý lỏng lẻo đang gây ra sự lãng phí lớn. Trong khi đó, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, báo cáo giám sát vẫn chưa nêu cụ thể nơi nào làm sai, gây thất thoát lớn để có biện pháp xử lý thích đáng./.