Ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa cho biết, tổng vốn đầu tư ban đầu từ nguồn trái phiếu Chính phủ trong 6 năm (2006-2012) là 388.705 tỷ được phân bố cho các lĩnh vực giao thông vận tải là 53%, cho các công trình thủy lợi là 22%, cho lĩnh vực y tế là 16%, cho xây dựng ký túc xá sinh viên là 5%, kiên cố hóa trường, lớp học là 4%.

Với số vốn đầu tư cho các lĩnh vực như trên thì lĩnh vực giáo dục đào tạo được phân chia với số lượng kinh phí ít nhất chỉ bằng 9%, suất đầu tư cũng thấp nhất, theo dự toán ban đầu được phê là 180 triệu đồng/phòng học kiên cố cho các tỉnh đồng bằng; 250 triệu đồng cho một  phòng kiên cố ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, chỉ tương đương với 50% giá xây dựng thực tế.

Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Học đề nghị sử dụng thêm nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 cho các dự án trọng điểm đang thi công dở dang, đặc biệt là một số dự án trong các lĩnh vức cần được ưu tiên, nhất là các trường học đang xuống cấp đến mức mất an toàn, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Ví dụ như các trường học huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận, các ký túc xá sinh viên của các trường dân tộc nội trú và bán trú của các tỉnh miền núi và khó khăn như ở Gia Lai, Lạng Sơn.

truong-lai-chau.jpg
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu (Ảnh: Sở GD-ĐT Lai Châu)

Năm 2012, hoàn thành 46 dự ánký túc xá sinh viên

Theo kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012”, chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên có 95 dự án, với tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là trên 19.539 tỷ đồng, TMĐT điều chỉnh là 19.695,8 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 46 dự án.

Các dự án ký túc xá sinh viên hoàn thành đã góp phần bổ sung khoảng 330.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề tại 29 tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên gia đình nghèo, khó khăn trong học tập và sinh hoạt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, trật tự ở khu vực các trường đại học, cao đẳng.

Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên cótổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2008 - 2012 là hơn 30.894 tỷ đồng, đạt 124,5% kế hoạch, trong đó trái phiếu Chính phủ là trên 17.056 tỷ đồng. Cả nước đã hoàn thành 84.155 trong tổng số 93.228 phòng học đang triển khai và 22.114 trong tổng số 23.142 phòng nhà công vụ cho giáo viên đang triển khai.

Qua giám sát cho thấy, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp là giáo viên, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập còn rất nhiều khó khăn. Chương trình đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu phòng học, dần xóa bỏ tình trạng học ba ca, phòng học tạm, tranh tre, nứa lá, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy và học tập./.