Chiều 3/11, Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời những chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới ngành Giao thông Vận tải.
Về chất vấn của đại biểu về việc nghiên cứu vật liệu xây mới thay thế vật liệu truyền thống, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình đi thị sát kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông tại ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT phối hợp Bộ GTVT thực hiện nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông khi triển khai các dự án trọng điểm ở khu vực ĐBSCL.
Qua nghiên cứu, hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho công trình giao thông ở ĐBSCL chiếm tới 39 triệu mét khối, trong khi khu vực ĐBSCL chỉ có khoảng 26 triệu, như vậy số lượng vật liệu để làm cát nền còn thiếu rất lớn.
Theo Bộ trưởng GTVT, việc nghiên cứu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết, và hiện đang được triển khai quyết liệt, lấy mẫu, làm xét nghiệm và bước đầu thấy rằng nếu dùng cát biển thay cho cát sông, thì riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển có thể lên 150 tỉ triệu khối, nếu thành công, lượng cát này dùng được cho cả nước.
Qua tiến độ nghiên cứu triển khai, Bộ GTVT có thể dự kiến khoảng cuối 2023 sẽ có kết quả về việc có sử dụng cát biển để thay thế cho cát sông được hay không. Tuy nhiên qua những nghiên cứu ban đầu cho thấy phương án lấy cát biển thay thế cát sông là rất khả thi.
Bộ trưởng cũng cho biết, thế giới hiện có Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản và các nước Trung Đông đã áp dụng vật liệu này.
Cùng với cát biển, tro xỉ cũng là vật liệu có thể thay thế được. Bộ Xây dựng phối hợp và có văn bản hướng dẫn quy chuẩn tiêu chuẩn, Bộ GTVT đã có văn bản thông báo nhà thầu có thể sử dụng vật liệu từ tro xỉ thay thế cát sông phục vụ san nền dự án thuộc công trình của Bộ.
Về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT quản lý quốc lộ và ngoài đô thị, khu vực trong đô thị thuộc phạm vi của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới ngập úng. Đối với khu đô thị cũ, trước đây, thường có cốt đường thấp. Khi sửa chữa đường ở những khu vực này, thường sử dụng phương pháp thi công cũ, là tiếp tục trải thảm lên đường, chính vì thế cốt đường cao hơn cốt nhà, dẫn đến ngập úng.
Nguyên nhân thứ hai theo Bộ trưởng là Hệ thống cống rãnh của các khu đô thị cũ không đáp ứng được yêu cầu.
Về giải pháp, vừa qua, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo áp dụng phương thức mới, thay vì trước đây cứ đường hỏng thì chúng ta trải thảm lên, thì bây giờ sử dụng cào bóc và tán sinh, đường hỏng thì bóc ra, sau đó tái chế, như vậy không làm tăng cốt đường ở khu vực cũ.
Còn khu vực đô thị mới, tình trạng ngập lụt chủ yếu do kết nối hạ tầng khu đô thị với hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác không đồng bộ. Ngoài ra trong quản lý vận hành không quan tâm nhiều xử lý vướng mắc hệ thống cống rãnh thoát nước ở khu đô thị.
Về giải pháp, Bộ GTVT cho rằng, đầu tiên cần phải quản lí chặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo đồng bộ, không để cốt xây dưng trong các khu đô thị cao hơn cốt đường.
Về vấn đề tắc nghẽn ở khu đô thị, ông Thắng cho rằng chủ yếu do áp lực phương tiện giao thông rất lớn trong khi hạ tầng chưa phát triển kịp.
Vì thế, phải quản lý chặt quy hoạch đô thị đồng bộ, đồng thời quản lý chặt quy hoạch nhà cao tầng, không chạy theo lợi nhuận thương mại phá vỡ quy hoạch; có giải pháp phát triển các phương tiện giao thông công cộng; thực hiện đồng bộ nhanh chóng việc di dời công trình trụ sở. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng trong quản lý điều hành giao thông đô thị để đảm bảo ý thức giao thông được tăng cường hơn./.