Giai đoạn vừa qua, ngoài các loài nhuyễn thể, giáp xác... thì cá biển, rong, tảo biển cũng có vai trò quan trọng phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Năm 2021, tổng sản lượng nuôi biển đạt 700 nghìn tấn, trong đó nhuyễn thể hơn 470 nghìn tấn, cá biển 58 nghìn tấn, tôm hùm 2.200 tấn, rong biển xấp xỉ 130 nghìn tấn,…
Theo đánh giá của Tổng cục Thuỷ sản, ngoài những kết quả đạt được thì nuôi biển hiện còn nhiều hạn chế như mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết; trình độ kỹ thuật của người dân chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học công nghệ sản xuất giống còn yếu, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết... Bên cạnh đó bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý môi trường biển và kiểm soát dịch bệnh.
Tại hội nghị, các cơ quan quản lý trung ương và các địa phương có biển, các viện nghiên cứu, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam qua định hướng công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, thức ăn, cơ giới hoá, đào tạo và định hướng phát triển đa ngành…
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: "Chúng ta tổ chức lại sản xuất cho người dân ở ven biển, tổ chức sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phải phù hợp với sức tải của môi trường. Chúng ta đã có những phương án như quy hoạch lại vùng sản xuất, thay đổi, chuyển giao khoa học công nghệ, quan trọng hơn nữa là mong muốn tích hợp những giá trị khác, như từ du lịch, từ đó đời sống của người dân sẽ tốt hơn và bền vững hơn".
Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nuôi biển là thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư vật liệu, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ; hình thành kênh cung cấp thông tin cho các cơ sở nuôi biển; xây dựng cơ chế liên kết với ngành kinh tế khác…
Mục tiêu chung là phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện KT-XH và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha, sản lượng nuôi biển đạt 850 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu đến 1 tỷ USD./.