Dư luận đang rất quan tâm vấn đề tìm hài cốt liệt sỹ, đặc biệt sau khi Nguyễn Văn Thúy (tức cậu Thủy) bị bắt vì làm giả hài cốt liệt sĩ. Vấn đề được đặt ra với công tác quản lý và những công tác liên quan đến việc quy tập hài cốt.

bo%20truong%20hai%20chuyen.jpg
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền (ảnh V.H)

Bên lề kỳ họp Quốc hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) trả lời báo chí về vấn đề này.

PV: Theo bà, đến thời điểm này Bộ LĐTB và XH đã có chỉ đạo gì phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc quy tập hài cốt liệt sỹ?

Bà Phạm Thị Hải Chuyền:Việc tìm hài cốt liệt sỹ là tâm nguyện chính đáng của thân nhân liệt sỹ và ngành LĐTB và XH cũng đã chỉ đạo cụ thể việc này. Trên cơ sở sự phân công của Chính phủ, Bộ Quốc phòng triển khai việc tìm kiếm, quy tập. Bộ LĐTB và XH khi phát hiện việc tự tìm hài cốt và ngay từ tháng 7/2011 đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải thực hiện việc đó đúng theo Nghị định của Chính phủ là khi phát hiện phải báo cáo với chính quyền và lực lượng quân đội địa phương để phối hợp tìm kiếm. Khi phát hiện trường hợp làm giả hài cốt liệt sỹ như ông Thủy vừa rồi báo chí nêu, Bộ LĐTB và XH đã có công văn đề nghị lực lượng Công an vào cuộc điều tra. Quan điểm của Bộ LĐTB và XH là phải sớm làm rõ và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm trước pháp luật.

PV: Cụ thể việc phân công nhiệm vụ giữa hai bộ Quốc phòng và LĐTB và XH được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Hải Chuyền:Hiện tại, theo quy định phân công của Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện đề án tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ, còn Bộ LĐTB và XH thực hiện nhiệm vụ xác định danh tính hài cốt liệt sỹ. Đề án về xác định danh tính hài cốt liệt sỹ của chúng tôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ LĐTB và XH đang triển khai.

Bộ cũng đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu tất cả các hài cốt liệt sỹ tìm được thông qua các “kênh” bên ngoài như bạn bè chiến hữu của liệt sỹ… dứt khoát phải giám định ADN. Lúc có kết quả chính xác mới được tổ chức làm lễ truy điệu và đưa liệt sỹ vào nghĩa trang. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện việc dó.

PV: Hiện nay, xuất hiện quá nhiều nhà ngoại cảm, trong số đó có đối tượng đã lợi dụng việc tìm hài cốt liệt sỹ để hoạt động lừa đảo. Vậy Bộ đã có giải pháp gì để quản lý vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Bà Phạm Thị Hải Chuyền: Theo tôi, việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ về quê hương là tâm nguyện chính đáng của mọi người trong xã hội nói chung, thân nhân liệt sỹ nói riêng. Ngoài việc giao cho Bộ Quốc phòng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, Chính phủ cũng cho phép các tổ chức, cá nhân phát hiện được hài cốt thì báo cáo với chính quyền địa phương, cũng như lực lượng quốc phòng địa phương ấy để phối hợp tìm kiếm. Nhưng thực chất có một bộ phận đã lợi dụng việc tìm hài cốt liệt sỹ để trục lợi cá nhân. Theo tôi, để làm tốt việc này, cần phải tuyên truyền để người dân cảnh giác các đối tượng lừa đảo. Khi phát hiện vụ việc phải xử lý nghiêm.

PV: Bộ trưởng nghĩ sao việc Ngân hàng chính sách xã hội tự ý thực hiện chương trình quy tập hài cốt liệt sỹ, cũng như hỗ trợ 15 triệu đồng/ bộ hài cốt mà không xin ý kiến Cục Người có công của Bộ LĐTB và XH?

Bà Phạm Thị Hải Chuyền: Như tôi đã nêu, Chính phủ cho phép các tổ chức, cá nhân được cùng với Nhà nước tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Lẽ ra phát hiện hài cốt thì phối hợp với Bộ Quốc phòng và Chính quyền địa phương tổ chức quy tập. Do vậy, khi phát hiện hài cốt liệt sỹ ở đâu, lẽ ra Ngân hàng chính sách cùng với địa phương đó cũng như cơ quan quân sự có trách nhiệm cùng thực hiện.

Như vụ phát hiện hài cốt liệt sỹ ở Quảng Trị, chúng tôi thấy có dấu hiệu không yên tâm và đã yêu cầu tất cả những hài cốt đã tìm thấy phải được giám định AND. Chúng tôi đã đề nghị Viện pháp y Quân đội và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an làm việc đó, khi khẳng định những thứ giám định không có cơ sở kết luận là xương người, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ.

Tháng 8/2013, Bộ LĐTB và XH đã có văn bản đề nghị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ vụ hài cốt giả.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.