Sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, chiều 16/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp 42.

Trước đó, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa.

quoc_hoi_16_xbrt.jpg
Phiên làm việc ngày 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Các luật về thuế được sửa đổi gồm: Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. 

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Chính sách thuế cần phải có tính ổn định lâu dài. Tuy nhiên, do yêu cầu của hội nhập và xuất phát từ những khó khăn của doanh nghiệp nên rất cần thiết phải sửa đổi luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần có lập luận rõ ràng, giải trình cụ thể vì sao Luật chưa có hiệu lực đã sửa, vì sao có Luật mới có hiệu lực đầu năm đến cuối năm lại sửa đổi. Đồng thời phải cập nhật thêm tình hình thực hiện các cam kết trong hội nhập với các Hiệp định FTA và TPP.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất bổ sung vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã; Bổ sung quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu khi nhà nhập khẩu bán ra nhằm chống chuyển giá. 

Chính phủ cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh từ ngày 01/7/2007 đến ngày 01/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp nộp hết tiền nợ thuế gốc.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia và Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Về đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần xem xét thứ tự ưu tiên các chương trình mục tiêu để đầu tư, trên quan điểm nguồn lực tới đâu, làm tới đó nhưng vẫn phải theo đuổi mục tiêu tới cùng. 

Các ý kiến thảo luận cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chương trình, dự án, tránh tình trạng phân tán, dàn trải hoặc chồng chéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Phát biểu bế mạc phiên họp 42, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, tiếp thu các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện các văn bản Luật trước khi trình Quốc hội tại kì họp thứ 10.

Liên quan đến các báo cáo kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Lần này ta sẽ thảo luận những văn kiện 5 năm, đó là kế hoạch kinh tế xã hội, đầu tư công, tài chính công… Đánh giá 2015 phải nhìn tổng thể cả 5 năm; báo cáo mục tiêu, giải pháp 2016 phải trên nền giai đoạn 2016-2021 và từ đó phải khẳng định lại xem 2016 chúng ta phải đạt những mục tiêu gì”./.