Tiếp tục chương trình phiên họp 42, sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). 

Đa số ý kiến thống nhất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định các chế tài xử lý cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự và Tòa án.

phien_hop_42_copy.jpg
Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, xung quanh quy định về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân trong tố tụng hành chính, vẫn còn có ý kiến khác nhau. Một số đại biểu cho rằng, trong tố tụng hành chính, Viện Kiểm sát Nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên Viện Kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng hành chính.

Bên cạnh đó, ý kiến khác lại cho rằng, Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính như quy định trong Luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: “Chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân trong Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001 và Hiến pháp 2013 không có gì thay đổi. Vẫn khẳng định Viện Kiểm sát là cơ quan công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trước những luồng ý kiến khác nhau hiện nay, theo tôi nguyên tắc khi sửa đổi, bổ sung các Luật, những vấn đề đã có tổng kết, đã chín muồi, được sự thống nhất cao thì mới sửa. Còn những vấn đề còn ý kiến khác nhau quá thì để lại. Tôi đề nghị giữ như Luật hiện hành”.

Cũng trong sáng nay, cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội; tranh tụng và bào chữa trong tố tụng hình sự; về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án./.