Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngày 18/9/2015, Văn phòng Quốc hội đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
“Đến nay, Văn phòng đã nhận được ý kiến đóng góp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Đa số ý kiến nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời có ý kiến đóng góp về một số vấn đề cụ thể”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 10 Quốc hội diễn ra trong 32 ngày |
Theo đó, dự kiến tiếp thu ý kiến của Chính phủ, chưa trình dự án Luật ban hành quyết định hành chính và mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Theo ông Phúc, nội dung này nên được chuẩn bị sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, một số nội dung sẽ được bổ sung trình Quốc hội như: Xem xét, thông qua Nghị quyết về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ...
Đồng thời bổ sung báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu về một số nội dung như Kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và một số dự án.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 32 ngày làm việc, trong đó Quốc hội làm việc 3/6 ngày thứ bảy; khai mạc vào 20/10 và bế mạc vào ngày 28/11/2015.
Báo cáo của Văn phòng Quốc hội cũng cho biết phần lớn các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước kỳ họp 1 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội còn hạn chế.
Trong số 18 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, có 13 dự án đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và hiện nay, một số dự án đang được các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc tiếp thu, chỉnh lý.
“Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện tài liệu, gửi đến đại biểu Quốc hội trước khi về dự kỳ họp để có thời gian nghiên cứu”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói./.