Quốc hội Việt Nam đến nay đã trải qua 70 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Thời gian đã trôi xa, thế nhưng trong lòng nhiều người dân Việt Nam, ngày 6/1/1946 là một ngày vui trọng đại, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, nhân dân được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia.
Đặc biệt, ở Nam Bộ lúc đó vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là quân địch đẩy mạnh đàn áp cách mạng, nhưng niềm vui được bầu cử của nhân dân lại lớn lao hơn bao giờ hết.
Đối với Đại tá Nguyễn Văn Tòng – cựu Chính ủy Sư đoàn 9 – Quân đoàn 4, ký ức về không khí trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên không bao giờ phai mờ. Lúc bấy giờ, đơn vị của ông đóng quân tại huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Cử tri nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6/1/1946). (Ảnh tư liệu) |
Lúc này giặc Pháp đã chiếm thị xã Mỹ Tho, nhưng thị trấn Cai Lậy vẫn còn do phía cách mạng kiểm soát. Trên những con đường lớn, biểu ngữ màu đỏ, chữ vàng, được giăng ngang quốc lộ, với nội dung “Ngày 6/1/1946 - Toàn dân đi bầu cử” làm nức lòng người dân địa phương. Đúng ngày 6/1, tại thị trấn Cai Lậy, người dân nô nức kéo nhau đi bỏ phiếu. Ông Tòng là người biết chữ, nằm trong Ban Thư ký, tham gia hướng dẫn cho bà con bầu cử.
“Cũng có nhiều người hiểu biết, vui mừng phấn khởi, còn có người thì bỡ ngỡ, cần phải được giải thích. Đưa được phiếu bầu cử rồi, thì người dân không cần đọc, bỏ ngay vào thùng phiếu, hoàn toàn tin tưởng vào cách mạng, vào chính quyền. Cũng có người không biết là phụ nữ cũng được đi bỏ phiếu, ra đến nơi mới biết, thế là ông chồng lấy xuồng bơi về chở bà vợ ra bầu cử”, ông Tòng nhớ lại.
Còn với bà Ngô Thị Huệ, một trong ba đại biểu nữ thuộc đoàn đại biểu miền Nam của Quốc hội khóa 1, tinh thần của ngày 6/1/1946 và niềm tin tưởng của người dân dành cho bà, đã trở thành động lực cho vị đại biểu dân cử này vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ đang chờ đợi phía trước.
Bà Ngô Thị Huệ |
Trong hồi ức của mình, bà Ngô Thị Huệ không quên không khí đi vận động, tuyên truyền bầu cử ngày ấy. Thời điểm này, hầu hết các tỉnh Nam bộ lần lượt bị giặc Pháp chiếm đóng và sắp tràn đến Bạc Liêu, nơi bà Huệ đang công tác.
Giữa lúc ấy, Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận được chủ trương tổ chức bầu Quốc hội vào ngày 6/1/1946. Dẫu gặp vô vàn khó khăn trong việc chuẩn bị và tiến hành bầu cử, Tỉnh ủy và chính quyền Bạc Liêu đã cử cán bộ về từng địa phương tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
Hình ảnh những bà mẹ, người chị buôn thúng bán bưng vận động nhau bỏ phiếu cho bà Huệ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí bà.
Bà Huệ tâm sự: “Lúc đó tôi mới vượt ngục trở về. Tôi diễn thuyết ở chợ, các bà đã tin tưởng nên bỏ phiếu cho tôi. Có bà thì biết chữ, có bà thì không biết chữ. Mấy bà biết chữ thì viết tên lên mấy lá chuối nguệch ngoạc”.
Cũng như Đại tá Nguyễn Văn Tòng, bà Ngô Thị Huệ, những người con miền Nam lúc bấy giờ, ai ai cũng một lòng hướng về cách mạng, đặt niềm tin vào chế độ mới của dân, do dân và vì dân.
Quần chúng khắp nơi sôi nổi trao đổi, để lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình. Bất chấp bom đạn của giặc, nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình.
Theo ông Nguyễn Trọng Xuất - Tổng thư ký Công trình Lịch sử kháng chiến Nam Bộ thì cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước muôn vàn khó khăn chồng chất, nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổng tuyển cử và đưa cuộc tổng tuyển cử đến thành công. Đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời và nhạy bén.
“Đó là lòng tin vào dân, dựa vào dân của lãnh đạo, và người dân xứng đáng được tin cậy như thế. Người dân đã thể hiện bản lĩnh của mình khi được lãnh đạo tin cậy và dựa vào mình. Sức mạnh của hai bên, trên dưới 1 lòng tạo nên sức mạnh”, ông Xuất nói.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là một mốc son đánh dấu bước phát triển vượt bậc về thể chế dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Chính ngày lịch sử trọng đại này đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, gắn bó chặt chẽ thành một khối, hy sinh vì nền độc lập cho Tổ quốc. 70 năm qua đã trôi qua, tinh thần dân chủ, tinh thần đoàn kết ấy vẫn được duy trì, tạo nên nguồn lực cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập./.