Sáng 2/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên thảo luận.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến trong 2 ngày thảo luận là đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn và nông dân. Theo các đại biểu, chúng ta có hơn 70% dân số làm nông nghiệp nên vấn đề đầu tư để phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực này là rất quan trọng. Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như tầm quan trọng của khu vực này.

Tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng

Thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, song trên thực tế chưa có chuyển biến tích cực. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp lần này cũng đã nêu việc đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng. Tuy nhiên, theo các đại biểu, báo cáo chưa đưa ra con số cụ thể cho nên khó thấy được mức độ sâu sắc của nhận định này.

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang (đoàn Bình Định), thực ra không phải năm 2010, mà từ lâu chúng ta đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm của nó. Đại biểu dẫn chứng: đầu tư cho nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư cho xã hội, trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó năm 2008, tỷ trọng này cao hơn một chút (khoảng 6,45%) và năm 2005 còn được 7,50%. Như vậy tỷ trọng đầu tư cho khu vực này cứ giảm dần. Nếu cứ tiếp tục đà giảm này, ông Vang cho rằng sẽ gây tác động không tốt cho ngành nông nghiệp của chúng ta.

Nói về tầm quan trọng của nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Đăng Vang lấy ví dụ: “Nước Anh vào năm 1900 thấy tăng trưởng của nông nghiệp chậm nên không đầu tư vào. Sau 10 năm họ phát hiện đó là một sai lầm và suốt 100 năm sau, họ không dám vi phạm trở lại. Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu phải quay trở về chu kỳ 2, tái đầu tư trở lại cho nông nghiệp sau khi bị lãng quên. Hàn Quốc hiện đầu tư cho khuyến nông là 850 USD/ha, trong khi chúng ta hiện mới chỉ đầu tư 1 USD/ha (bằng 1/850 lần so với Hàn Quốc)”.

Bàn về những khó khăn khu vực nông nghiệp đang gặp phải, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An) nêu những băn khoăn, trăn trở của nhiều cử tri, nhất là những cử tri ở nông thôn là: khi nước ta trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản… nhưng người làm nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhất và cũng là những người thuộc diện nghèo nhất của xã hội. Từ thực trạng này đã dẫn đến việc người làm nông nghiệp đang nảy sinh tâm lý chán ruộng vì thu nhập quá thấp, việc làm của thanh niên nông thôn đang là một bài toán nan giải trong nông nghiệp và nông thôn hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Minh Phương (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tình trạng bấp bênh của giá nông sản là câu chuyện muôn thủa đã khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Giá nông sản quá thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao dẫn đến việc sản xuất không có lãi, hoặc lãi thấp. Bên cạnh đó, người nông dân vẫn tiếp tục phải chịu nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả hoặc kém chất lượng mà phần thua thiệt luôn về phía nông dân.

Đại biểu Nguyễn Danh (đoàn Gia Lai) đưa ra một số tiêu chí so sánh, theo đó, nông nghiệp đóng góp trên 20% GDP, trong khi đó, lao động qua đào tạo ở nông thôn chỉ chiếm trên dưới 10% so với 25% ở khu vực thành thị. Dân trí thấp hơn 2 lần; nhân lực thấp hơn 10 lần; trên 80% hộ nghèo là sống ở nông thôn… Theo đại biểu, đây chính là những khó khăn cho phát triển của khu vực này.

Cần những chính sách cụ thể đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, các đại biểu cho rằng, cần có những chính sách cụ thể, đầu tư xứng đáng hơn nữa cho khu vực này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An) đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết việc thực thi chính sách đất đai, nhất là chính sách đất đai trong nông nghiệp để sớm sửa đổi một cách toàn diện Luật đất đai hiện hành vốn còn rất nhiều bất cập như hiện nay. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất, đầu tư sản xuất nông nghiệp, vì doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất nông nghiệp thì mới có thể có hàng hóa lớn.

Nhà nước cần có chính sách và giải pháp đồng bộ để khuyến khích có trách nhiệm đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là đầu tư để có nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển nhanh công nghiệp và dich vụ; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị.

Đại biểu Vi Trọng Lễ (đoàn Phú Thọ) cho rằng, để chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả vừa đảm bảo chiến lược an ninh lương thực, vừa đảm bảo ở nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, Chính phủ cần chỉ đạo các Viện khoa học quan tâm nghiên cứu xây dựng một bộ giống cây lương thực chuẩn và ổn định, để từ đó có thể sản xuất đại trà tạo ra một sản lượng lương thực hàng hóa lớn, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như là xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả việc quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên canh lớn, trong đó quan tâm đến quỹ đất nông nghiệp ổn định, đặc biệt là đất trồng cây lương thực, không lấy đất trồng lúa để sử dụng sang việc khác, nhằm giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất lâu dài và có điều kiện thâm canh, chuyên canh sâu trên thửa ruộng của mình.

Nhiều đại biểu cũng đề xuất, nguồn thu từ trái phiếu Chính phủ nên dành toàn bộ cho khu vực này và lộ trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phải được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc, căn cơ để trong năm 2010 hay 2011 và những năm tiếp theo người dân thấy được hiệu quả rõ nét./.