Một trong những vấn đề quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chiều 24/11 là sự điều hành quản lý giá xăng dầu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thế Vinh (đoàn Long An) về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Bộ Tài chính quy định giá xăng dầu dựa theo sự biến động của giá dầu thế giới. Giá xăng dầu được tính là giá xăng dầu thành phẩm chứ không phải là giá xăng dầu thô.

xang-dau.jpg
Hiện nay, theo Nghị định 84, thuế nhập khẩu xăng dầu đang bằng 0. Trong quá trình tính toán, Bộ Tài chính sẽ xem xét đến việc tăng hay giảm giá xăng dầu. Việc tăng giá xăng dầu sẽ nghiên cứu dựa cả trên tình hình lạm phát, chiết khấu bán hàng của các đại lý.

Việc lỗ-lãi của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2010, việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex được Kiểm toán Việt Nam thẩm định là lỗ 219 tỷ đồng. Đến tháng 6/2011, Petrolimex báo lỗ là 1.800 tỷ đồng (trong đó công ty mẹ lỗ là 1.600 tỷ đồng). Riêng lỗ do chênh lệnh tỷ giá là 1.430 tỷ đồng do chúng ta điều chỉnh tỷ giá 9,3%, bởi vì có thời điểm, Petrolimex phải cần 500 triệu USD để nhập xăng dầu. Số lượng xăng dầu nhập về chưa thanh toán là khoảng 200 triệu USD.

Trong 6 tháng năm 2011, Petrolimex sử dụng phí kinh doanh chi cho các đại lý cao hơn bình quân là 520 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Tài chính đang kiến nghị với Bộ Công thương xem xét lại chiết khấu cho các đại lý, chi hoa hồng cho các đại lý.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Petrolimex được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 1996, được hoạt động kinh doanh sản phẩm xăng dầu, hoá dầu, khí hoá lỏng, vận tải xăng dầu, ngân hàng-bảo hiểm, các hoạt động phục vụ cho kinh doanh xăng dầu. Các lĩnh vực ngoài hoạt động kinh doanh xăng dầu là tài sản độc lập, lãi-lỗ của những lĩnh vực này không được tính vào lãi-lỗ của việc kinh doanh xăng dầu.

Trong báo cáo của Petrolimex trong 3 năm gần đây, đề cập đến tình hình tài chính của 5 hoạt động kinh doanh vẫn lãi, nhưng riêng đối với kinh doanh xăng dầu là lỗ.

Muốn điều hành tốt, rất cần doanh nghiệp công khai, minh bạch

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về việc độc quyền kinh doanh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng: Theo Luật Cạnh tranh, nếu doanh nghiệp nào chiếm tới 30% thị phần trở lên thì doanh nghiệp đó gọi là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Để quản lý tốt ngành xăng dầu thì cần phải quản lý tốt thị trường bằng cách là những đầu mối kinh doanh xăng dầu khác như Petro Saigon, PV Oil, công ty xăng dầu Quân đội… phải mạnh lên về năng lực. Nếu các đầu mối này tăng lên thì sẽ có thêm thị phần về xăng dầu. Ngoài ra, Petrolimex phải nghiên cứu tái cấu trúc để đảm bảo tính cạnh tranh.

Có lúc, Petrolimex phải cần tới 500 triệu USD để nhập khẩu xăng dầu. Khi nhập xăng dầu, chúng ta phải biết cân đối với tỷ giá ngoại tệ. Nếu cân đối tốt sẽ làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu tiến triển lên nhiều. Để cân đối tỷ giá cho nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính đang kiến nghị là nên thành lập tổ đầu mối nhập khẩu xăng dầu chung, sau đó đấu giá cho các doanh nghiệp khác.

Trước tình hình giá cả xăng dầu biến động đã tác động đến đời sống của đông đảo người dân, đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) hỏi về tình hình thực hiện của quỹ bình ổn xăng dầu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Theo Nghị quyết 84, quỹ bình ổn giá xăng dầu được thành lập từ năm 2009 cho tới nay. Hiện nay, quỹ bình ổn giá có mức dư khoảng 2.500 tỷ đồng. Quỹ này chỉ sử dụng vào mục tiêu bình ổn giá khi giá cả biến động khó lường, bất thường và hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh doanh xăng dầu.

Đề cập tới câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) về phương hướng, giải pháp quản lý, điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng: Giải pháp của mọi giải pháp là chúng ta phải công khai và minh bạch về chính sách. Nếu chính sách chưa phù hợp thì Nhà nước phải điều chỉnh lại ngay. Cán bộ các cấp phải minh bạch về chất lượng. Doanh nghiệp phải minh bạch về số lượng, công khai theo quy định của pháp luật. Nếu không công khai và minh bạch số lượng và chất lượng thì vấn đề điều hành giá sẽ không thành công.

Trong phần giải trình thêm về vấn đề quản lý thị trường xăng dầu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần phải chống tình trạng độc quyền về giá, xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh với mục tiêu hướng về lợi ích của người dân./.